Muốn hủy hợp đồng ủy quyền có công chứng cần làm gì?

Chủ đề   RSS   
  • #610490 12/04/2024

    Muốn hủy hợp đồng ủy quyền có công chứng cần làm gì?

    Bà A có ủy quyền cho bà B thay bà A đứng ra bán đất, nhận cọc. Bà B sẽ chuyển khoản đủ số tiền khách đặt cọc cho bà A nhưng bà B chưa chịu giao đủ số tiền như đã ghi trong hợp đồng đặt cọc nên bà A muôn huỷ bỏ hợp đồng uỷ quyền. Tuy nhiên hợp đồng ủy quyền này có công chứng tại UBND xã. Vậy phải làm thế nào?

    Hủy bỏ hợp đồng công chứng

    Theo Điều 51 Luật Công chứng 2014 quy định việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó.

    Do hợp đồng ủy quyền của bà A và bà B được công chứng tại UBND xã nên nếu bà A muốn hủy hợp đồng ủy quyền thì cần có chữ ký của bà B và việc hủy hợp đồng này phải diễn ra tại UBND xã.

    Khi đó thủ tục hủy hợp đồng ủy quyền thực hiện như sau:

    Thành phần hồ sơ:

    + Phiếu yêu cầu công chứng tại trụ sở hoặc Phiếu yêu cầu công chứng ngoài trụ sở (nếu có) (theo mẫu của tổ chức hành nghề công chứng);

    + Dự thảo Hợp đồng hủy bỏ hợp đồng ủy quyền đã được công chứng (nếu có);

    + Bản chính Giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng: Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu còn thời hạn và giá trị sử dụng hoặc giấy tờ khác của các bên;

    + Bản chính giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của các bên: Giấy đăng ký kết hôn, Giấy xác nhận tình trạng độc thân...;

    + Bản chính Hợp đồng ủy quyền đã được công chứng.

    Quy trình hủy bỏ hợp đồng ủy quyền công chứng:

    Bước 1: Nộp hồ sơ:

    Người yêu cầu công chứng hoàn thiện 01 bộ hồ sơ nêu trên và nộp trực tiếp tại UBND xã.

    Bước 2: Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ:

    - Người nhận hồ sơ kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng. Trường hợp hồ sơ đầy đủ, phù hợp với quy định pháp luật thì cán bộ công chứng và ghi vào sổ công chứng.

    - Công chứng viên giải thích cho các bên hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ hợp đồng ủy quyền đã được công chứng.

    Bước 3: Thực hiện công chứng:

    Trường hợp các bên có dự thảo hợp đồng hủy bỏ hợp đồng ủy quyền đã được công chứng: Công chứng viên kiểm tra dự thảo; nếu trong dự thảo có điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, không phù hợp với quy định của pháp luật thì các bên sửa chữa theo yêu cầu của công chứng viên. Nếu không sửa chữa thì công chứng viên có quyền từ chối công chứng.

    Trường hợp các bên không có dự thảo hợp đồng hủy bỏ hợp đồng ủy quyền đã được công chứng: Công chứng viên soạn thảo hợp đồng theo yêu cầu các bên trong trường hợp nội dung, ý định giao kết hợp đồng là xác thực, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội.

    Các bên tự đọc lại dự thảo hợp đồng hoặc công chứng viên đọc cho các bên nghe theo đề nghị của các bên.

    Các bên đồng ý toàn bộ nội dung trong dự thảo hợp đồng thì ký vào từng trang của hợp đồng.

    Công chứng viên ghi lời chứng, ký và đóng dấu.

    Bước 4: Trả kết quả:

    Công chứng viên thu phí, thù lao công chứng, trả hồ sơ cho người yêu cầu và lưu trữ hồ sơ công chứng.

    Thời hạn công chứng: không quá 02 ngày làm việc; trường hợp hợp đồng hủy bỏ hợp đồng ủy quyền đã được công chứng có nội dung phức tạp thì thời hạn công chứng có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc.

    Trong trường hợp bà B không đồng ý hủy bỏ hợp đồng công chứng thì bà A có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu

    Yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu

    Thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu theo Điều 398, Điều 399 và Điều 400 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:

    * Đơn yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu:

    - Công chứng viên đã thực hiện việc công chứng, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật về công chứng.

    - Đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu phải có các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 362 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:

    + Ngày, tháng, năm làm đơn;

    + Tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc dân sự;

    + Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu;

    + Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó;

    + Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết việc dân sự đó (nếu có);

    + Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình;

    + Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ, nếu là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp tổ chức yêu cầu là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu được thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

    - Kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu phải gửi tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu là có căn cứ và hợp pháp.

    * Chuẩn bị xét đơn yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu:

    - Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu là 01 tháng, kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu; hết thời hạn này, Tòa án phải ra quyết định mở phiên họp để xét đơn yêu cầu.

    - Sau khi thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu, Tòa án có thẩm quyền phải thông báo ngay cho tổ chức hành nghề công chứng, Công chứng viên đã thực hiện việc công chứng, người yêu cầu công chứng, người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Viện kiểm sát cùng cấp.

    - Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, nếu người yêu cầu rút đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu.

    - Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp, Tòa án phải mở phiên họp để xét đơn yêu cầu.

    * Quyết định tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu:

    - Tòa án có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận đơn yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.

    - Trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu. Trong quyết định này, Tòa án phải quyết định về hậu quả pháp lý của việc tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu theo quy định của pháp luật.

    => Theo đó, khi muốn hủy hợp đồng ủy quyền có công chứng thì cần chữ ký của các bên. Trong trường hợp một bên không muốn hủy hợp đồng ủy quyền có công chứng thì bên còn lại có thể đề nghị Tòa án tuyên bố hợp đồng ủy quyền vô hiệu.

     
    48 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận