Theo quy định tại khoản 3 Điều 113 Bộ luật lao động 2019: trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.
Theo đó, pháp luật hiện hành quy định về hai trường hợp đương nhiên thanh toán tiền lương cho những ngày phép năm chưa nghỉ gồm: người lao động thôi việc hoặc bị mất việc làm.
Tuy nhiên, ngoài hai trường hợp nêu trên, nếu giữa công ty và người lao động có thỏa thuận về việc thanh toán phép năm thì người lao động vẫn được thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Bộ luật lao động 2019 bởi đây là thỏa thuận bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động.
Việc thanh toán tiền phép năm được quy định tại Điều 67 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:
- Tiền tàu xe, tiền lương những ngày đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm theo khoản 6 Điều 113 của Bộ luật Lao động do hai bên thỏa thuận.
- Tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động những ngày nghỉ lễ, tết, nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng có hưởng lương theo Điều 112, khoản 1 và khoản 2 Điều 113, Điều 114, khoản 1 Điều 115 của Bộ luật Lao động là tiền lương theo hợp đồng lao động tại thời điểm người lao động nghỉ lễ, tết, nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng có hưởng lương.
- Tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm theo khoản 3 Điều 113 của Bộ luật Lao động là tiền lương theo hợp đồng lao động của tháng trước liền kề tháng người lao động thôi việc, bị mất việc làm.
Như vậy, pháp luật không quy định mức tối đa mà người lao động được nhận khi không nghỉ phép năm hoặc nghỉ không hết số ngày phép năm mà tiền lương này phụ thuộc vào số ngày phép chưa nghỉ và tiền lương của người lao động.