Cục Dân số Bộ Y tế cho biết dự thảo Luật Dân số đề xuất các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp sẽ được hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ 2.
Mức sinh thấp, dự báo tình trạng thiếu lao động sau năm 2055
Ngày 10/11/2023 tại Hà Nội, Bộ Y tế (Cục Dân số) phối hợp với Hội Phụ sản Việt Nam và Công ty TNHH Merck Healthcare tổ chức Hội thảo “Mức sinh thấp tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”.
Hội thảo được diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang duy trì mức sinh thay thế, song có sự chênh lệch giữa các vùng miền, đối tượng đồng thời tỉ lệ vô sinh cao, ảnh hưởng đến quy mô và cơ cấu dân số trong tương lai.
Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin: trên Thế giới, mức sinh ở hầu hết các châu lục đều liên tục giảm và giảm xuống rất thấp so với mức sinh thay thế tại các quốc gia Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động, các vấn đề về già hóa dân số và chăm sóc người cao tuổi.
Dự báo tình trạng thiếu lao động sẽ phổ biến trên toàn thế giới sau 2055, ảnh hưởng đến phát triển không bền vững về con người, một thách thức hàng đầu của nhân loại trong thế kỷ 21.
Mặc dù, trong thời gian qua Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác dân số, tuy nhiên Bộ Y tế còn quan ngại khi Việt Nam là một trong các quốc gia tỷ lệ vô sinh cao (khoảng 7,7%), (trong đó vô sinh nguyên phát là 3,9% và vô sinh thứ phát là 3,8%), ảnh hưởng đến hàng triệu cá nhân, cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn chờ mong hạnh phúc làm cha, mẹ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh, chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 nhấn mạnh mục tiêu “duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng”.
Đây là những định hướng chính sách về dân số rất kịp thời nhằm cải thiện mức sinh thấp tại một số vùng, tỉnh, thành phố, đặc biệt là nơi xuất hiện xu hướng mức sinh thấp. Để đạt được điều này đòi hỏi phải có chính sách, chiến lược hỗ trợ trong thời gian tới…
Theo bà Hương, bên cạnh 33 tỉnh, thành phố có mức sinh cao (trên 2,2 con), hiện có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (dưới 2 con), thậm chí một số nơi mức sinh rất thấp tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung.
Các tỉnh, thành này gồm: TP.HCM, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An...
Đề xuất 4 biện pháp khuyến khích sinh đủ 2 con tại tỉnh, thành phố có mức sinh thấp
Tại hội thảo, ThS.BS Mai Trung Sơn - đại diện Cục Dân số cho biết đang tham mưu xây dựng dự thảo Luật Dân số, trong đó, đề xuất các biện pháp của nhà nước khuyến khích sinh đủ 2 con tại tỉnh, thành phố có mức sinh thấp. Theo đó, có 4 biện pháp:
Thứ nhất, đề xuất hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ 2. "Mục đích là trong quá trình mang thai phụ nữ cần nghỉ làm, bồi dưỡng sức khỏe"- ông Sơn nói.
Cùng đó, đề xuất miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học...
Thứ hai, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình được hưởng các chính sách khuyến khích xã hội hoá trong lĩnh vực y tế.
Thứ ba, xây dựng môi trường, cộng đồng phù hợp tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, chăm sóc và nuôi dạy con tốt, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình.
Thứ tư, quy định trách nhiệm xã hội của người sử dụng lao động đối với người lao động nuôi con nhỏ và các biện pháp khác.
Các tỉnh, thành có mức sinh thấp cũng cần rà soát, bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con mà cần khuyến khích sinh đủ 2 con. "Nếu không có biện pháp can thiệp thì tình hình rất quan ngại. Các địa phương phải xác định thực trạng, xu hướng mức sinh của địa phương để có kế hoạch phù hợp thực tiễn"- ông Sơn nói.
Mức sinh thấp để lại hệ lụy lâu dài, chi phí chăm sóc sức khỏe và chi phí xã hội khác cao hơn, Tiến sĩ Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế, nói. Lượng người lao động, công nhân ít hơn cũng làm giảm khả năng cạnh tranh kinh tế, ít người tiêu dùng hơn, từ đó khiến tăng trưởng kinh tế thấp hơn và mức sống giảm đi.
Theo Bộ Y tế