Sắp tới đây sẽ áp dụng tăng mức lương cơ sở đối với công chức, viên chức điều này sẽ kéo theo rất nhiều tích cực trong các chế độ mà công chức, viên chức trong đó có chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
1. Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là gì?
Căn cứ khoản 8 Điều 3 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 có giải thích về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
- Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
- Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động.
2. Năm 2023 mức hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của công chức, viên chức có tăng hay không?
Hiện nay mức lương cơ sở được áp dụng theo Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP là từ ngày 01 tháng 7 năm 2019 mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng. Bên cạnh đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh mức lương cơ sở phù hợp khả năng ngân sách nhà nước, chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên, Điều 33 Nghị quyết 69/2022/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 do Quốc hội ban hành có hiệu lực từ ngày 26/12/2022 có quy định về thực hiện chính sách tiền lương từ ngày 01/07/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng.
Từ quy định này dẫn đến mức hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của công chức, viên chức cũng tăng theo cụ thể như sau:
3. Tăng mức hưởng trợ cấp một lần
Mức trợ cấp một lần được quy định tại Điều 46 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
- Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 05 lần mức lương cơ sở, cụ thể hiện nay trợ cấp một lần đang ở mức 7.450.000 đồng nhưng từ ngày 01/7/2023 sẽ là mức 9.000.000 đồng.
- Sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở (bằng 745.000 đồng và sẽ tăng lên thành 900.000 đồng từ ngày 01/7/2023).
4. Tăng mức hưởng trợ cấp hằng tháng
Mức hưởng trợ cấp hằng tháng được quy định tại Điều 47 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
- Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở (hiện nay bằng 447.000 đồng và từ tháng 7/2023 là 540.000 đồng).
- Sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở (hiện nay bằng 29.800 đồng và từ tháng 7/2023 là 36.000 đồng);
Tăng mức hưởng trợ cấp phục vụ
Căn cứ quy định tại Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng trợ cấp hằng tháng (nêu ở mục 2) còn được hưởng trợ cấp phục vụ hằng tháng bằng mức lương cơ sở.
Như vậy, mức trợ cấp phục vụ tăng từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng kể từ ngày 01/7/2023
Tăng mức hưởng trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Căn cứ quy định tại Điều 51 Luật Bảo hiểm xã hội 2014,người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở (hiện nay là 53.640.000 đồng và sẽ tăng lên thành 64.800.000 đồng từ ngày 01/7/2023).
Tăng mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật
Căn cứ quy định tại Điều 52 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 mức hưởng một ngày trong trường hợp này bằng:
- 25% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình, tức là mức hưởng hiện nay bằng 372.500 đồng/ngày nhưng từ ngày 01/7/2023 sẽ là 450.000 đồng/ngày.
- 40% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại cơ sở tập trung, tức là mức hưởng hiện nay bằng 596.000 đồng và sẽ tăng lên mức 720.000 đồng từ ngày 01/7/2023.
Như vậy, từ ngày 01/07/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng. Từ quy định này dẫn đến mức hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của công chức, viên chức cũng tăng theo.