Quy định về hoạt động chi cho công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục cũng như kinh phí thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ như thế nào?
Kinh phí phục vụ công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ
Kinh phí thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được cân đối trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm theo phân cấp và nguồn huy động của các tổ chức trong và ngoài nước, doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng. Cụ thể tại Điều 7 Thông tư 07/2016/TT-BGDĐT Quy định về điều kiện bảo đảm và nội dung, quy trình, thủ tục kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành có nêu như sau:
- Kinh phí thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được cân đối trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, theo phân cấp quản lý và nguồn huy động hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước.
- Nội dung chi và mức chi cho công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước. Căn cứ vào các quy định về quản lý tài chính có liên quan và trong phạm vi ngân sách nhà nước đã được Chính phủ giao, Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quy định cụ thể các mức chi phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Ví dụ như Nghị quyết 19/2022/NQ-HĐND quy định nội dung, mức chi thực hiện xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; Nghị quyết 09/2023/NQ-HĐND quy định về nội dung, mức chi thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030" và nội dung, mức hỗ trợ để khuyến khích người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Quy định về chi cho công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục
Căn cứ theo Thông tư 17/2022/TT-BTC hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030" do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành thì việc chi cho công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục thực hiện như sau:
- Chi cho các hoạt động điều tra, khảo sát phục vụ công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục mầm non, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở (sau đây viết tắt là phổ cập giáo dục) thực hiện theo quy định tại Thông tư 109/2016/TT-BTC;
- Hỗ trợ học phẩm đối với học viên các lớp học xóa mù chữ: Tùy thuộc tình hình thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt danh mục tên học phẩm, số lượng học phẩm hỗ trợ trong phạm vi danh mục hỗ trợ học phẩm đối với cấp trung học cơ sở quy định tại Khoản 6 Điều 2 Thông tư liên tịch 109/2009/TTLT-BTC-BGDĐT.
- Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí chi thắp sáng ban đêm, chi mua sổ sách theo dõi quá trình học tập, sách giáo khoa dùng chung (đối với các lớp học phổ cập, xóa mù chữ ban đêm) và chi tuyên truyền, huy động người mù chữ, tái mù chữ đến lớp xóa mù chữ: Mức chi cụ thể do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ khả năng cân đối của ngân sách địa phương, quy mô và thời gian hoạt động của các lớp xóa mù chữ;
- Chi tiền lương đối với giáo viên thuộc biên chế dạy lớp xóa mù, chống tái mù chữ thuộc nhiệm vụ chuyên môn của cơ sở giáo dục đào tạo công lập: chi trả theo quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP. Trường hợp số giờ dạy vượt định mức giờ chuẩn được thanh toán theo quy định tại Thông tư liên tịch 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC.
- Chi tiền công đối với những người tình nguyện tham gia giảng dạy các lớp xóa mù chữ (bao gồm giáo viên thuộc biên chế của cơ sở giáo dục đào tạo công lập và những người ngoài biên chế có đủ tiêu chuẩn, năng lực giảng dạy): Mức chi tiền công theo hợp đồng lao động trên cơ sở lương tối thiểu vùng và đảm bảo tương quan với mức lương giáo viên trong biên chế có cùng trình độ đào tạo, thâm niên công tác dạy cùng cấp học, lớp học theo quy định hiện hành của nhà nước về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Tường hợp huy động tình nguyện viên tham gia giảng dạy các lớp xóa mù chữ: Ngân sách nhà nước thực hiện hỗ trợ chi phí ăn, ở, đi lại cho các đối tượng này theo chế độ công tác phí quy định tại Thông tư 40/2017/TT-BTC.