Mua nhà cho bố đứng tên, có lấy lại được nhà khi bố mất không để lại di chúc?

Chủ đề   RSS   
  • #612404 06/06/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 10

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (867)
    Số điểm: 13788
    Cảm ơn: 19
    Được cảm ơn 287 lần


    Mua nhà cho bố đứng tên, có lấy lại được nhà khi bố mất không để lại di chúc?

    Anh trai mua nhà nhưng nhờ bố đứng tên, bố mất đột ngột không để lại di chúc, em trai khởi kiện đòi chia tài sản, anh trai có lấy lại được nhà khi bố mất không để lại di chúc?

    Theo các trang thông tin, ở Trung Quốc có câu chuyện anh L.C vì thấy bố là ông L sống trong căn nhà cũ kỹ, đã chăm chỉ làm việc không ngừng nghỉ để mua đất, xây nhà khang trang cho bố ở. Được biết, 100% số tiền mua đất, xây dựng nhà do anh L.C chi trả, tuy nhiên khi làm thủ tục, anh đã nhờ bố đứng tên hộ căn nhà đó.

    Bất ngờ bố anh qua đời, không kịp để lại di chúc. Câu chuyện đau buồn chưa đi qua, em trai của anh L.C là L.D đã khởi kiện anh ra tòa đòi chia tài sản là căn nhà của bố đứng tên (do anh L.C mua) mặc dù L.D biết rõ anh trai mình là người bỏ tiền ra mua và xây dựng căn nhà trên và bố chỉ là người đứng tên hộ.

    Vậy tình huống này theo pháp luật Việt Nam sẽ giải quyết thế nào?

    (1) Quy định về thừa kế theo pháp luật

    Theo khoản 1 Điều 650 Bộ Luật Dân sự 2015, thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

    - Không có di chúc;

    - Di chúc không hợp pháp;

    - Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

    - Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

    Theo quy định trên, L.C và ông L.D đều là con ruột của ông L, do đó khi bố mất không để lại di chúc, ông L.D hoàn toàn được quyền yêu cầu nhận thừa kế tài sản của ông L theo pháp luật.

    Mặt khác, căn nhà do ông L đứng tên nên đó là tài sản của ông L, căn nhà đương nhiên trở thành tài sản thừa kế sau khi ông L mất. Ông L mất mà không để lại di chúc, nên di sản do ông để lại là căn nhà sẽ được chia thừa kế theo pháp luật.

    (2) Mua nhà cho bố đứng tên, có lấy lại đc nhà khi bố mất không để lại di chúc?

    Theo quy định tại khoản 22 Điều 3 Luật Đất đai 2024, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

    Do đó, khi nhờ một người khác đứng tên tức là đang trao toàn quyền định đoạt nhà đất cho người đứng tên hộ trong khi thực tế họ không phải là chủ sở hữu thực sự của nhà đất, dẫn đến việc có nguy cơ gặp nhiều rủi ro trong tương lai.

    Bên cạnh đó, pháp luật cũng không có quy định nào về việc đứng tên hộ giấy tờ nhà đất và cũng không công nhận các hợp đồng đứng tên hộ trong mua bán nhà đất.

    Các hợp đồng đứng tên hộ thường được làm dưới hình thức giấy tay, không được công chứng, chứng thực và sẽ không phát sinh hiệu lực vì đó là giao dịch pháp luật không công nhận.

    Tuy nhiên trên thực tế xét xử cho thấy, việc xét xử những tranh chấp phát sinh từ việc đứng tên hộ nhà đất không chỉ đơn thuần là phủ định việc thỏa thuận đứng tên hộ như vậy.

    Trở lại với câu chuyện của anh L.C, Tòa án Trung Quốc đã tuyên anh L.C là chủ sở hữu thật sự của căn nhà và bác bỏ mọi yêu cầu của em trai L.D. 

    Lí do được đưa ra là vì anh L.C đã nộp một chứng cứ quan trọng đó là “Giấy thỏa thuận đứng tên hộ”“Xác nhận quyền sở hữu tài sản” theo đúng pháp luật Trung Quốc. Hai văn bản này không chỉ thể hiện mong muốn của hai bên mà còn xác nhận rõ ràng căn nhà thuộc sở hữu của anh L.C.

    Xét trên phương diện pháp luật Việt Nam, tuy không công nhận thỏa thuận đứng tên hộ nhưng khi giải quyết tranh chấp phát sinh từ việc đứng tên hộ nhà đất, Tòa án sẽ đưa ra hai hướng giải quyết:

    Trường hợp 1: Tòa sẽ công nhận về quyền sử dụng, sở hữu nhà đất của bên nguyên đơn (người nhờ đứng tên hộ) nếu như tại thời điểm giải quyết vụ án, bên nguyên đơn đã có đủ điều kiện để đứng tên nhà đất theo đúng quy định của pháp luật.

    Trường hợp 2: Tòa án sẽ không công nhận về quyền sở hữu, sử dụng nhà đất của người nhờ đứng tên giùm nếu như tại thời điểm giải quyết vụ án mà người nhờ đứng tên giùm không đủ các điều kiện để đứng tên nhà đất theo đúng quy định của pháp luật.

    Như vậy, nếu ở Trung Quốc, người con mua nhà đã lấy lại được nhà khi bố mất không để lại di chúc. Thì ở Việt Nam, nếu muốn lấy lại được nhà, ngoài việc chứng minh mình là người thật sự mua nhà và chỉ nhờ đứng tên hộ, người mua nhà còn phải có đủ điều kiện để được sở hữu nhà thì mới có khả năng được nhận lại tài sản của mình.

    (3) Kết luận

    Nhìn chung, dù lý do gì thì việc nhờ đứng tên hộ mua nhà đất cũng đều mang đến nhiều rủi ro mất tài sản cho người nhờ đứng tên hộ.

    Khi có tranh chấp, chắc chắn người bất lợi là người không đứng tên trên giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. 

    Do đó, khi làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, cần lưu ý phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật, để được pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp xảy ra. 

     
    576 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận