Phóng sinh vốn là nét đẹp trong văn hóa người Việt, có ý nghĩa nhân sinh và góp phần giáo dục con người bảo vệ thiên nhiên. Tuy nhiên, việc phóng sinh bừa bãi không có hiểu biết chính là nguy cơ đe dọa sự sống cho các loài động vật hoang dã và có nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Do sự thiếu hiểu biết, việc phóng sinh đã gây những tác động không tốt đối với môi trường sống trong vùng.
Phóng sinh một cách bừa bãi chính là tác nhân phát tán của các loài xâm nhập vào môi trường bản địa. Nhiều người đem phóng sinh các loài rắn độc, rùa tai đỏ - những loài có khả năng sinh sản nhanh, ăn tất cả các loài thủy sinh trong ao, làm phá hủy môi trường nước, đe dọa đến sự sống của các loài sinh vật đang sinh sống trong môi trường đó.
Đặc biệt hơn là đối với các động vật hoang dã, quý hiếm. Nhiều loài rùa như rùa núi viền, rùa núi vàng thường bị phóng sinh xuống ao chùa, nhưng trên thực tế chúng không thể sống hoặc ở lâu trong môi trường nước.
Hầu hết chúng sẽ chết sau vài ngày hoặc một tuần sau khi được thả xuống ao. Nhiều loài trong số chúng được xếp vào nhóm loài đặc biệt nguy cấp và được pháp luật bảo vệ.
Vậy “phóng sinh” là gì?
Hiện nay, không có một văn bản nào định nghĩa được chính xác cụm từ “phóng sinh”.
Trong Phật giáo, phóng sinh được xem như là một hành động, nghi lễ truyền thống của những phật tử nhằm để mang lại điềm tốt lành cho bản thân và gia đình. Đây là một nét đẹp về văn hóa, tín ngưỡng, là những suy nghĩ xuất phát từ tấm lòng thiện của mỗi người.
Nói cách khác, phóng sinh là một hành động cứu giúp các loài sinh vật khỏi cơn nguy, cứu sinh mạng của chúng, phóng thích chúng về với thiên nhiên.
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi hoạt động phóng sinh đều là cái tốt mà đôi khi nó là hành vi gián tiếp hoặc trực tiếp thúc đẩy cái ác từ những kẻ có lòng tham đội lớp phóng sinh để trục lợi.
Phóng sinh động vật hoang dã là gì?
Điển hình như hiện nay việc phóng sinh đã bị nhiều người hiểu sai ý nghĩa thực sự của nó. Nhiều người đang thiếu hiểu biết về việc phóng sinh dẫn tới sai phạm khi mua những động vật hoang dã rồi đem bắt nhốt lại để rồi với lý do phóng sinh chúng để giải thoát.
Việc mua động vật hoang dã để phóng sinh đã vô tình tiếp tay cho hoạt động buôn bán, nuôi nhốt động vật hoang dã.
Việc này vi phạm quy định của pháp luật và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
Về xử phạt vi phạm hành chính:
Theo quy định tại quy định tại khoản 5 Điều 23 Nghị định 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp, người nào có hành vi tàng trữ, mua, bán trái phép động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm có thể bị Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng.
Về truy cứu trách nhiệm hình sự:
Cụ thể, theo Điều 244 BLHS 2015 được sử đổi bởi điểm a Khoản 64 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm:
Người nào vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp có thể bị phạt tiền lên đến 2 tỉ đồng hoặc phạt tù cao nhất là 15 năm:
- Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
- Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật quy định tại điểm a khoản này; ngà voi có khối lượng từ 02 kilôgam đến dưới 20 kilôgam; sừng tê giác có khối lượng từ 0,05 kilôgam đến dưới 01 kilôgam;
- Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật nguy cấp, quý hiếm Nhóm IB hoặc thuộc Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp mà không thuộc loài quy định tại điểm a khoản này với số lượng từ 03 đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 đến 15 cá thể động vật các lớp khác;
- Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép từ 03 đến 07 bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của động vật lớp thú, của 07 đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc 10 đến 15 cá thể động vật các lớp khác thuộc loài động vật quy định tại điểm c khoản này;
- Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của các động vật có số lượng dưới mức tối thiểu nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Đặc biệt, đối với pháp nhân có thể bị phạt tiền lên đến 15 tỉ đồng và có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.