Mua bán tài sản trộm cắp có thể lãnh án 15 năm tù

Chủ đề   RSS   
  • #617258 09/10/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 474 lần


    Mua bán tài sản trộm cắp có thể lãnh án 15 năm tù

    Bạn có biết rằng việc mua một món đồ giá hời từ chợ trời có thể khiến bạn đối mặt với 15 năm tù không? Nghe có vẻ khó tin, nhưng hoàn toàn có thể xảy ra nếu món đồ đó là tài sản trộm cắp.

    (1) Mua bán tài sản trộm cắp có thể lãnh án 15 năm tù

    Theo quy định tại Điều 323 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định, người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

    Bên cạnh đó, nếu phạm tội mà thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

    - Có tổ chức;

    - Có tính chất chuyên nghiệp;

    - Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

    - Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

    - Tái phạm nguy hiểm.

    Nếu tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng hoặc có thu lợi bất chính từ việc tiêu thụ tài sản trộm cắp giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 07 năm đến 10 năm.

    Đặc biệt, trong trường hợp tài sản, vật phạm pháp trị giá 1 tỷ đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 300 triệu đồng trở lên, người bị phạm tội sẽ bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

    Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

    Có thể thấy, việc mua sắm tại chợ trời, nơi thường diễn ra các giao dịch không chính thức, có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường nếu người tiêu dùng không cẩn trọng kiểm tra nguồn gốc tài sản.

    Ngoài ra, nếu có hành vi mua tài sản trộm cắp, sau đó liên hệ với người bị mất tài sản để bán lại, cho chuộc lại cũng sẽ cấu thành tội tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có.

    Do đó, cần tỉnh táo và tránh xa những giao dịch có dấu hiệu phạm tội. Hãy nhớ rằng, lợi nhuận bất chính từ việc mua bán tài sản trộm cắp sẽ không bao giờ bền vững.

    (2) Mức xử phạt đối với tội trộm cắp tài sản

    Bên cạnh việc xử phạt người mua bán tài sản trộm cắp, người trộm cắp tài sản cũng sẽ bị truy xét trách nhiệm hình sự đối với hành vi trộm cắp tài sản của mình.

    Theo quy định tại Điều 173 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), khi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản có giá trị chỉ từ 2 triệu đồng trở lên (tính theo giá trị tài sản bị mất cắp, không tính theo số lợi bất chính thu được từ việc trộm cắp), người phạm tội đã có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

    Cụ thể, người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

    - Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

    - Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 Bộ Luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

    - Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

    - Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

    - Tài sản là di vật, cổ vật.

    Bên cạnh đó, nếu hành vi trộm cắp tài sản có các tình tiết như: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; hành hung để tẩu thoát và tái phạm nguy hiểm thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

    Trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để trộm cắp tài sản có thể sẽ bị phạt tù lên đến 20 năm.

    Như vậy, việc mua bán tài sản trộm cắp và hành vi trộm cắp tài sản đều bị pháp luật nghiêm cấm và có thể bị xử lý hình sự với mức án phạt rất nặng. Mục đích của việc xử phạt nghiêm khắc này là để răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ tài sản của công dân và đảm bảo trật tự xã hội.

    Để giảm thiểu tình trạng này, mỗi người dân cần nâng cao ý thức pháp luật, không mua bán tài sản trộm cắp và tích cực tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật và củng cố lực lượng chức năng để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm.

     
    82 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận