Một số quy định chung khi thực hiện mua sắm thuốc tập trung

Chủ đề   RSS   
  • #607055 24/11/2023

    nguyenhoaibao12061999
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:03/08/2022
    Tổng số bài viết (2261)
    Số điểm: 78451
    Cảm ơn: 100
    Được cảm ơn 2016 lần
    ContentAdministrators
    SMod

    Một số quy định chung khi thực hiện mua sắm thuốc tập trung

    Mua sắm tập trung là một thuật ngữ phổ biến trong lĩnh vực đấu thầu. Nhất là việc mua sắm thuốc tập trung, việc này giúp giảm tải quy trình, thủ tục, đẩy nhanh tiến độ cung cấp thuốc. Vậy mua sắm thuốc tập trung cần chú ý những quy định chung gì?
     
    mot-so-quy-dinh-chung-khi-thuc-hien-mua-sam-thuoc-tap-trung
     
    1. Điều kiện mua sắm thuốc tập trung từ năm 2024
     
    Cụ thể để thực hiện mua sắm thuốc tập trung từ ngày 01/1/2024 theo quy định tại khoản 1 Điều 53 Luật Đấu thầu 2023 đơn vị mua sắm tập trung được áp dụng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
     
    - Hàng hóa, dịch vụ cần mua sắm với số lượng lớn, chủng loại tương tự ở một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị.
     
    Trường hợp mua thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít có thể áp dụng hình thức mua sắm tập trung để bảo đảm có đủ thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh;
     
    - Thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung quy định tại khoản 2 Điều 53 Luật Đấu thầu 2023.
     
    2. Đơn vị mua sắm thuốc tập trung có trách nhiệm gì?
     
    Căn cứ khoản 1 Điều 38 Thông tư 15/2019/TT-BYT quy định đơn vị mua thuốc tập trung có trách nhiệm như sau:
     
    - Tổng hợp nhu cầu sử dụng thuốc, lập và trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu, hoàn thiện và ký kết hợp đồng hoặc thỏa thuận khung với các nhà thầu được lựa chọn, công bố kết quả lựa chọn nhà thầu và thỏa thuận khung trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế và Trang thông tin điện tử của Sở Y tế để các cơ sở y tế làm căn cứ hoàn thiện, ký hợp đồng với các nhà thầu được lựa chọn.
     
    - Giám sát quá trình thực hiện thỏa thuận khung, hợp đồng với các nhà thầu được lựa chọn.
     
    3. Quy định đối với Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia
     
    Theo Điều 38 Thông tư 15/2019/TT-BYT quy định đơn vị mua sắm thuốc tập trung cấp địa phương không tổ chức lựa chọn nhà thầu những thuốc thuộc Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, thuốc thuộc Danh mục thuốc đàm phán giá nếu tại thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu đã có kết quả lựa chọn nhà thầu và thỏa thuận khung được công bố trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế.
     
    Khi xây dựng và tổng hợp để báo cáo nhu cầu sử dụng thuốc thuộc Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia và Danh mục thuốc đàm phán giá, cơ sở y tế không xây dựng và tổng hợp số lượng thuốc còn lại trong hợp đồng đã ký với các nhà cung cấp theo kết quả lựa chọn nhà thầu trước đó của đơn vị mình.
     
    4. Hình thức lựa chọn nhà thầu mua sắm thuốc tập trung
     
    Cụ thể, khoản 4 Điều 38 Thông tư 15/2019/TT-BYT quy định hình thức lựa chọn nhà thầu: đấu thầu rộng rãi trong nước; Tuy nhiên từ ngày Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực thì trường hợp hàng hóa thuộc danh mục mua sắm tập trung nhưng cần mua sắm để phòng, chống dịch bệnh thì được áp dụng hình thức chỉ định thầu. Trường hợp hàng hóa thuộc danh mục mua sắm tập trung đáp ứng điều kiện đàm phán giá thì được áp dụng hình thức đàm phán giá.
     
    Đối với phương thức lựa chọn nhà thầu căn cứ khoản 5 Điều 38 Thông tư 15/2019/TT-BYT (sửa đổi bởi Thông tư 06/2023/TT-BYT): Căn cứ vào quy mô gói thầu và phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất để đề xuất phương thức lựa chọn nhà thầu theo quy định Luật đấu thầu.
     
    Đánh giá hồ sơ dự thầu: sử dụng phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá đối với từng phần của gói thầu.
     
    5. Cách thức thực hiện mua sắm thuốc tập trung
     
    Cách thức thực hiện: việc mua thuốc tập trung được thực hiện theo cách thức ký thỏa thuận khung, trừ các trường hợp sau đây được áp dụng theo cách thức ký hợp đồng trực tiếp:
     
    - Mua thuốc, vắc xin phục vụ công tác tiêm chủng mở rộng thuộc các chương trình, dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh;
     
    - Mua thuốc thuộc các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, nguồn viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thuộc nguồn ngân sách nhà nước mà nhà tài trợ có yêu cầu áp dụng theo cách thức ký hợp đồng trực tiếp;
     
    6. Tổ chức thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm thuốc tập trung
     
    Tổ chức thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện theo khoản 8 Điều 38 Thông tư 15/2019/TT-BYT:
     
    - Vụ Kế hoạch - Tài chính chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc tập trung cấp quốc gia.
     
    - Sở Y tế chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc tập trung cấp địa phương.
     
    - Việc thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc tập trung thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 37 Luật đấu thầu và Điều 16 Thông tư này.
     
    7. Thương thảo hợp đồng mua sắm thuốc tập trung
     
    Việc thương thảo hợp đồng thực hiện theo Khoản 1 Điều 32 Thông tư 15/2019/TT-BYT. Trong quá trình lựa chọn nhà thầu tập trung, để bảo đảm hiệu quả kinh tế của gói thầu, việc thương thảo hợp đồng thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Nghị định 63/2014/NĐ-CP và có thể xem xét xử lý tình huống như sau:
     
    - Trường hợp có một mặt hàng thuốc với số lượng lớn được phân chia thành các gói thầu theo quy định tại điểm a Khoản 4 Điều 40 Thông tư 15/2019/TT-BYT và có cùng một mặt hàng được đề nghị trúng thầu ở nhiều gói thầu với mức giá chênh lệch nhau thì có thể xem xét theo hướng yêu cầu nhà thầu phân tích các yếu tố cấu thành giá dự thầu, giải thích, làm rõ về sự chênh lệch giá của cùng một mặt hàng nhưng được cung cấp tại các địa điểm khác nhau. 
     
    Các phân tích này dùng để làm cơ sở thương thảo hợp đồng hướng tới mức giá của mặt hàng thuốc đó tại gói thầu có giá đề nghị trúng thầu thấp nhằm bảo đảm mang lại hiệu quả kinh tế của gói thầu.
     
    - Trường hợp có mặt hàng thuốc ở một nhóm thuốc chỉ có 01 giấy đăng ký lưu hành trên thị trường nên chỉ có 01 nhà thầu tham dự, không có sự cạnh tranh về giá và giá đề nghị trúng thầu tại nhóm này cao hơn giá đề nghị trúng thầu của mặt hàng cùng hoạt chất, nồng độ hoặc hàm lượng, dạng bào chế đường dùng tại nhóm khác có tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn và có giá cạnh tranh hơn do có nhiều nhà thầu tham dự thì có thể xem xét việc thương thảo hợp đồng với nhà thầu về mức giá đề nghị trúng thầu nhằm bảo đảm phù hợp với việc phân nhóm thuốc theo tiêu chí kỹ thuật theo nguyên tắc sau:
     
    + Giá trúng thầu Nhóm 1 không cao hơn giá trúng thầu thuốc biệt dược gốc hoặc sinh phẩm tham chiếu;
     
    + Giá trúng thầu Nhóm 2, Nhóm 3 không cao hơn giá trúng thầu thuốc biệt dược gốc hoặc sinh phẩm tham chiếu và Nhóm 1;
     
    + Giá trúng thầu Nhóm 4 không cao hơn giá trúng thầu thuốc biệt dược gốc hoặc sinh phẩm tham chiếu; Nhóm 1; Nhóm 2 sản xuất tại Việt Nam và Nhóm 3;
     
    + Giá trúng thầu Nhóm 5 không cao hơn giá trúng thầu thuốc biệt dược gốc hoặc sinh phẩm tham chiếu; Nhóm 1; Nhóm 2; Nhóm 3 và Nhóm 4.
     
    Trường hợp thuốc dự thầu có thay đổi trong quá trình lựa chọn nhà thầu hoặc cung ứng thuốc trúng thầu nhưng thuốc thay thế chưa được chào trong hồ sơ dự thầu, việc thay thế thuốc thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 37 Thông tư 15/2019/TT-BYT nhằm bảo đảm cung ứng đủ thuốc phục vụ kịp thời công tác khám bệnh, chữa bệnh.
     
    994 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn nguyenhoaibao12061999 vì bài viết hữu ích
    admin (09/01/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận