Luật hộ tịch 2014 sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2016, tuy nhiện để thực thi một số quy định mới tại Luật này phải có văn bản hướng dẫn.
Dưới đây là một số hướng dẫn mới về đăng ký hộ tịch cần phải lưu ý:
Giấy tờ để đăng ký hộ tịch của nước láng giềng được miễn hợp pháp hóa lãnh sự
Cụ thể, giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước láng giềng lập, cấp, xác nhận để đăng ký hộ tịch tại UBND xã khu vực biên giới theo quy định cha/mẹ là công dân Việt, người kia là công dân nước láng giềng được miễn hợp pháp hóa lãnh sự và phải dịch sang Tiếng Việt và có cam kết người dịch đã dịch đúng nội dung.
Các giấy tờ bằng tiếng nước ngoài sử dụng để đăng ký hộ tịch tại Việt Nam phải được dịch ra tiếng Việt, bản dịch phải được công chứng hoặc chứng thực chữ ký người dịch theo quy định pháp luật,
Bản sao giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu đăng ký hộ tịch là bản sao giấy tờ được công chứng, chứng thực hợp lệ, trường hợp bản sao giấy tờ không được công chứng, chứng thực phải xuất trình bản chính để đối chiếu.
Cần phải xuất trình giấy tờ gì trong giai đoạn đồng bộ cơ sở dữ liệu hộ tịch?
Khi có yêu cầu đăng ký hộ tịch trong giai đoạn đồng bộ cơ sở dữ liệu điện tử và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân số, cá nhân phải xuất trình hộ chiếu, CMND, hay thẻ căn cước công dân và giấy tờ chứng minh nơi cư trú cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
Hướng dẫn đăng ký khai sinh cho trẻ được sinh ra do mang thai hộ
Người yêu cầu đăng ký khai sinh nộp giấy tờ sau:
- Tờ khai (theo mẫu quy định)
- Giấy chứng sinh.
- Văn bản chứng minh việc mang thai hộ.
Trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì người yêu cầu đăng ký khai sinh còn phải nộp bản sao giấy tờ chứng minh việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản theo quy định.
Trình tự đăng ký khai sinh:
Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ trên, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.
Công chức tư pháp - hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch UBND cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.
Nội dung đăng ký khai sinh được xác định như sau:
- Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em do cha, mẹ lựa chọn theo quy định pháp luật dân sự và được ghi rõ trong Tờ khai đăng ký khai sinh.
- Việc cấp Số định danh cá nhân cho người được đăng ký khai sinh được thực hiện theo Luật căn cước công dân và văn bản quy định chi tiết thi hành Luật căn cước công dân.
- Nơi sinh, ngày, tháng, năm sinh của trẻ em được xác định theo Giấy chứng sinh, trường hợp không có Giấy chứng sinh thì xác định theo văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh hoặc giấy cam đoan về việc sinh. Nơi sinh phải ghi đủ tên hành chính 3 cấp xã, huyện, tỉnh nơi trẻ em sinh ra và tên cơ sở y tế, nếu trẻ em sinh tại cơ sở y tế; ngày, tháng, năm sinh được xác định theo dương lịch.
Phần ghi về cha, mẹ trẻ em trong Giấy khai sinh, Sổ hộ tịch được xác định như sau:
- Trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ em được sinh ra do mang thai hộ, thì thông tin về người cha, người mẹ trong Sổ hộ tịch, Giấy khai sinh của trẻ em là thông tin của vợ, chồng nhờ mang thai hộ.
- Trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ em được sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, thì thông tin về người cha, người mẹ trong Sổ hộ tịch, Giấy khai sinh của trẻ em là thông tin của cặp vợ, chồng vô sinh.
Đăng ký khai sinh cho người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân
Đối với trường hợp cá nhân đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân mà chưa được đăng ký khai sinh, thì được đăng ký khai sinh nếu người đó có yêu cầu.
Xem thêm các hướng dẫn khác tại dự thảo Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật hộ tịch 2014 (file đính kèm)