Một số khó khăn, vướng mắc và kinh nghiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án giết người chưa đạt

Chủ đề   RSS   
  • #558600 26/09/2020

    lamkylaw
    Top 100
    Lớp 10

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:31/10/2018
    Tổng số bài viết (660)
    Số điểm: 14232
    Cảm ơn: 10
    Được cảm ơn 612 lần


    Một số khó khăn, vướng mắc và kinh nghiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án giết người chưa đạt

    Thời gian qua, các vụ án giết người chưa đạt đều có đặc điểm chung là xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt, bị can thực hiện hành vi sử dụng hung khí (dao, tuýp sắt...) đâm, chém vào vùng đầu, ngực, bụng của nạn nhân (đây là những vùng được xác định là hiểm yếu trên thân thể người), làm tổn thương não, thấu ngực làm thủng phổi... gây hậu quả tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân từ 20% trở lên. Theo đó, ý thức chủ quan của người phạm tội (mong muốn đoạt mạng nạn nhân) được đánh giá thông qua hành vi khách quan mà bị can đã thực hiện. Lỗi của bị can được nhận định là lỗi cố ý trực tiếp. Hậu quả nạn nhân không bị chết nằm ngoài mong muốn của bị can vì đã được cấp cứu kịp thời; hoàn toàn không phụ thuộc vào việc bị can có khai nhận về ý muốn giết chết nạn nhân hay không.

    Tuy nhiên, khi thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án giết người chưa đạt gặp một số khó khăn, vướng mắc như sau:

    Khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm đối với nhiều vụ việc xô xát, đánh nhau do tức thời phát sinh mâu thuẫn, dẫn đến việc các bên sử dụng hung khí (dao, kiếm, mã tấu, tuýp sắt, côn nhị khúc...) gây ra hậu quả thương tích cho đối phương. Các đơn vị tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm ban đầu thường chỉ lập Biên bản vụ việc mà chưa kịp thời khám nghiệm hiện trường, thu thập dấu vết, vật chứng liên quan đến tội phạm để làm căn cứ điều tra sau này. Chính vì vậy, nhiều vụ án gặp khó khăn trong quá trình giải quyết. Sau này, khi được chuyển đến cấp thành phố, một số vụ án phải dựng lại hiện trường.

    Việc thu thập các dấu vết, vật chứng tại hiện trường cũng gặp nhiều khó khăn do hiện trường xảy ra một vụ giết người chưa đạt thường đã bị xáo trộn, một số vụ án giết người chưa đạt xảy ra vào ban đêm nên việc thực nghiệm điều tra để đối tượng diễn tả lại, thể hiện lại tư thế tấn công người bị hại cũng như thời tiết, ánh sáng tại hiện trường lúc xảy ra vụ án… cũng gặp nhiều khó khăn.

    Một số đơn vị chưa làm tốt công tác kiểm sát việc khởi tố, đánh giá không đúng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, xác định tội danh không chính xác dẫn đến việc giải quyết vụ án bị kéo dài, chưa nghiêm minh trong việc đấu tranh ngăn chặn tội phạm, ví dụ: Xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống, Nguyễn Văn Đ đã cố ý dùng dao nhọn bằng kim loại (dạng dao bầu, là loại hung khí rất nguy hiểm) đâm 01 nhát vào vùng ngực phải của anh N (bộ phận trọng yếu trên cơ thể). Mặc dù đã được can ngăn nhưng Đ vẫn tiếp tục đâm 03 nhát về phía anh N, trúng vào cánh tay trái, vùng đùi trái, cẳng chân trái anh N (thể hiện tính quyết liệt cao trong việc tước đoạt tính mạng). Bị can Đ chỉ dừng lại khi bị người khác can ngăn, tước dao... Anh N không tử vong nằm ngoài ý thức chủ quan của Đ. Cơ quan CSĐT và VKSND huyện T đã ban hành quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Đ về tội “Cố ý gây thương tích”. Sau gần 05 tháng, Cơ quan CSĐT - Công an huyện T mới quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án, quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với Nguyễn Văn Đ về tội “Giết người” theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự. Như vậy, Cơ quan CSĐT và VKSND huyện T đã đánh giá không đúng tính chất, mức độ nguy hiểm về hành vi của bị can dẫn đến xác định chưa đúng tội danh. Hoặc như vụ án: Phạm nhân Nguyễn Lê B đã dùng 01 con dao lam cắt 03 nhát liên tục vào vùng cổ của phạm nhân Nguyễn Thế T, gây ra các thương tích dài và sâu ở vùng cổ của T. Do được cấp cứu và điều trị kịp thời nên T không tử vong mà bị thương tích với tỷ lệ 07%. Việc T không tử vong nằm ngoài ý muốn chủ quan của Nguyễn Lê B. Hành vi nêu trên của Nguyễn Lê B phạm tội “Giết người” theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT, VKSND huyện T đã đánh giá không đúng tính chất, mức độ nguy hiểm về hành vi của Nguyễn Lê B dẫn đến xác định chưa đúng tội danh, đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Lê B về tội “Cố ý gây thương tích” dẫn đến vụ án bị kéo dài, chậm giải quyết.

    Từ thực tiễn giải quyết các vụ án giết người chưa đạt, tác giả đưa ra một số kinh nghiệm về kỹ năng nghiệp vụ cơ bản đối với Kiểm sát viên nhằm nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra đối với loại tội phạm này như sau:

    Một là, để xác định chính xác tội danh đối với các vụ án hình sự, nhất là những vụ án giết người chưa đạt, đòi hỏi Kiểm sát viên cần nhận diện đúng loại tội phạm này ngay từ khi được phân loại thụ lý tin báo, tố giác về tội phạm. Theo đó, đề ra các yêu cầu xác minh cụ thể, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án sau này.

    Hai là, nắm bắt tình hình về hiện trường, xác định xem đơn vị tiếp nhận thông tin có tiến hành bảo vệ hiện trường hay không. Đồng thời, nắm bắt thông tin về tình trạng thương tích của nạn nhân, xác định vị trí các thương tích đó ở vùng nào của nạn nhân; được tác động bởi loại hung khí nào... Việc khám nghiệm hiện trường là một mắt xích quan trọng, quyết định việc điều tra, làm rõ hành vi phạm tội nên đòi hỏi khám nghiệm hiện trưởng phải thận trọng, tỉ mỉ, khách quan, vẽ sơ đồ, chụp ảnh, thu giữ, bảo quản, tiến hành giám định ngay nếu có các dấu vết, đồ vật, công cụ phương tiện phạm tội; hiện trường thể hiện vị trí tấn công ở đâu? Thời tiết, ánh sáng tại hiện trường lúc xảy ra vụ án và các tình tiết liên quan khác để làm căn cứ đề xuất các yêu cầu điều tra tiếp theo.

    Ba là, Kiểm sát viên cần chú ý nghiên cứu cơ chế hình thành thương tích và vật tác động; trưng cầu giám định pháp y về thương tích, xác định tỉ lệ tổn hại về sức khỏe của nạn nhân; xác định các dấu vết thương tích có phải do cùng loại hung khí gây ra hay không; trường hợp có đông đối tượng tham gia gây án, các dấu vết thương tích có đặc điểm khác nhau, cần yêu cầu Cơ quan giám định tách tỷ lệ thương tật của từng vết thương để làm căn cứ cá thể hóa tính chất, mức độ của các đối tượng sau này...; trưng cầu giám định dấu vết sinh học, xác định dấu vết liên quan đến tội phạm.

    Bốn là, yêu cầu Cơ quan điều tra phối hợp với Bệnh viện theo dõi diễn biến tình hình sức khỏe của nạn nhân. Kiểm sát viên nắm bắt thông tin này qua việc đôn đốc Điều tra viên để kịp thời đề xuất hướng điều tra tiếp theo. Chú ý các trường hợp có thể phải giám định bổ sung, xác định tỉ lệ % tổn hại cơ thể. Kiểm sát viên phối hợp với Điều tra viên có kế hoạch giám sát chặt chẽ, tránh trường hợp các đối tượng từ chối giám định, gây khó khăn, xung đột quan điểm khi đánh giá hậu quả của vụ án.

    Năm là, cần thống nhất nhận thức trong việc đánh giá ý thức chủ quan của người phạm tội (liên quan đến động cơ, mục đích gây án được biểu hiện thông qua hành vi khách quan) trong các vụ án giết người chưa đạt, cụ thể là: Lỗi của người phạm tội trong các vụ án này phải là lỗi cố ý trực tiếp; căn cứ hung khí được sử dụng; hành vi khách quan của bị can; vị trí dấu vết thương tích để lại trên thân thể của nạn nhân, mức độ, cường độ tấn công nạn nhân; số lượng vết thương, hậu quả thương tích... Từ đó, xác định động cơ gây án của người phạm tội nhằm tước đoạt tính mạng nạn nhân tại thời điểm gây án. Việc nạn nhân không bị chết là nằm ngoài mong muốn của người phạm tội. Ngoài ra, tùy từng vụ án cụ thể, còn phải căn cứ vào tương quan lực lượng, như: Thể trạng, thể lực của bị can và bị hại; số lượng về người, về hung khí, tính chất hung khí mà các bên sử dụng đánh nhau...

    Sáu là, phụ thuộc vào vụ việc cụ thể, Kiểm sát viên cần đánh giá đúng tính chất, hành vi của bị can căn cứ vào các vị trí được xác định là vùng trọng yếu trên thân thể người, gồm: Vùng đầu, gáy, cổ và vùng ngực... Việc gây thương tích ở vùng đầu, phải dẫn đến hậu quả làm tổn thương sọ, như: Vỡ, lún sọ... Việc gây thương tích ở vùng ngực phải dẫn đến hậu quả thấu ngực, có tổn thương phổi, tim...

    Bảy là, Kiểm sát viên kiểm sát chặt chẽ căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế và việc lập hồ sơ vụ án của Điều tra viên; bám sát tiến độ điều tra, nghiên cứu kỹ tài liệu, chứng cứ để nắm chắc kết quả điều tra; chủ động đề ra yêu cầu điều tra chính xác, kịp thời; trước khi phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, Kiểm sát viên phải trực tiếp hoặc cùng Điều tra viên tiến hành ghi lời khai; đảm bảo các lệnh, quyết định được phê chuẩn có căn cứ, không để xẩy ra oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm.

    Trên đây là một số ý kiến về những khó khăn, vướng mắc và kinh nghiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án giết người chưa đạt.

    Lê Thị Bảo Yên - VKSND thành phố Hà Nội (vkshanoi.gov.vn)

    Theo VKSNDTC

     
    3256 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận