Quyền Tổng Giám đốc tương đương với chức danh Tổng Giám đốc, thực hiện các công việc của Tổng Giám đốc trong một thời gian khi vì lý do nào đó mà Tổng Giám đốc không thể đảm nhận công việc của mình. Vậy, một công ty vừa có Tổng Giám đốc và cũng vừa có người nắm quyền Tổng Giám đốc được không?
Một công ty có thể vừa có Tổng Giám đốc, vừa có quyền Tổng Giám đốc không?
Theo khoản 1, khoản 2 Điều 123 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật.
Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Nếu công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật thì Điều lệ công ty quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật. Trường hợp việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật chưa được quy định rõ trong Điều lệ công ty thì mỗi người đại diện theo pháp luật của công ty đều là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba; tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Như vậy, pháp luật về doanh nghiệp hiện nay chỉ cho phép công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có nhiều hơn 2 người đại diện theo pháp luật, tức là các công ty này có thể vừa có Tổng Giám đốc, vừa có quyền Tổng Giám đốc. Còn công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân thì chỉ được có 1 người đại diện theo pháp luật.
Tiêu chuẩn, điều kiện đối với chức danh Tổng Giám đốc là gì?
Theo Điều 64 Luật Doanh nghiệp 2020 tiêu chuẩn và điều kiện làm Giám đốc, Tổng giám đốc như sau:
- Không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020.
- Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh của công ty và điều kiện khác do Điều lệ công ty quy định.
- Đối với doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 Luật Doanh nghiệp 2020 và công ty con của doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật Doanh nghiệp 2020, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện quy định trên và không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý công ty, Kiểm soát viên của công ty và của công ty mẹ; người đại diện phần vốn của doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty và công ty mẹ.
Như vậy, để nắm giữ chức danh Tổng Giám đốc thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định trên.
Tiền lương của Tổng Giám đốc được trả thế nào?
Theo Điều 66 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về tiền lương, thù lao, thưởng và lợi ích khác của Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc, Tổng giám đốc và người quản lý khác như sau:
- Công ty trả tiền lương, thù lao, thưởng và lợi ích khác cho Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác theo kết quả và hiệu quả kinh doanh.
- Tiền lương, thù lao, thưởng và lợi ích khác của Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác được tính vào chi phí kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, pháp luật có liên quan và phải được thể hiện thành mục riêng trong báo cáo tài chính hằng năm của công ty.
Như vậy, tiền lương, thù lao, thưởng và lợi ích khác của Tổng Giám đốc sẽ được công ty trả theo kết quả và hiệu quả kinh doanh và sẽ được tính vào chi phí kinh doanh theo quy định.