Theo Báo Tuổi Trẻ đưa tin, ngày 26/4, trao đổi tại buổi gặp gỡ báo chí giới thiệu công tác tuyển sinh quân đội năm 2024, Trung tướng Nguyễn Văn Oanh cho biết từ năm 2025, Bộ Quốc phòng tổ chức kỳ thi đánh giá riêng để sử dụng kết quả tuyển sinh cho các trường quân đội.
Từ năm 2025, Bộ Quốc phòng sẽ tổ chức Kỳ thi đánh giá năng lực
Ngày 26/4, Trung tướng Nguyễn Văn Oanh, Cục trưởng Cục Nhà trường, Phó Trưởng Ban tuyển sinh quân sự (Bộ Quốc phòng) trao đổi tại buổi gặp gỡ báo chí giới thiệu công tác tuyển sinh quân đội năm 2024, Trung tướng cho biết năm 2024, khối trường quân đội có 4 phương thức xét tuyển.
Phương thức 1: xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, xét tuyển với học sinh giỏi bậc THPT (không quá 15% chỉ tiêu).
Phương thức 2: xét tuyển dựa vào học bạ (không quá 10% chỉ tiêu, riêng Học viện Quân y, Học viện Kỹ thuật quân sự chưa sử dụng phương thức này).
Phương thức 3: xét tuyển từ kết quả thi đánh giá năng lực do các trường đại học trong nước tổ chức (không quá 20% chỉ tiêu).
Phương thức 4: xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Trung tướng Nguyễn Văn Oanh cho biết từ năm 2025, Bộ Quốc phòng tổ chức kỳ thi đánh giá riêng để sử dụng kết quả tuyển sinh cho các trường quân đội.
Theo đó, 17 trường quân đội sẽ dành khoảng 30% chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực do Bộ Quốc phòng tổ chức (Tỉ lệ này có thể sẽ điều chỉnh căn cứ vào thực tiễn tuyển sinh). Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) sẽ phối hợp Đại học Quốc gia Hà Nội để tổ chức kỳ thi riêng này theo phương thức tương tự như kỳ thi đánh giá năng lực mà Đại học Quốc gia Hà Nội đang làm. Thí sinh muốn dự kỳ thi này vẫn phải qua vòng sơ tuyển.
Theo Báo Tuổi Trẻ
Thủ tục tuyển sinh đào tạo trình độ đại học, cao đẳng quân sự hệ chính quy
Ngày 07/7/2023, Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định 3002/QĐ-BQP về việc công bố thủ tục hành chính thay thế lĩnh vực tuyển sinh quân sự. Theo đó, Thủ tục tuyển sinh đào tạo trình độ đại học, cao đẳng quân sự hệ chính quy là Thủ tục hành chính cấp huyện, được quy định tại Thông tư 31/2023/TT-BQP.
Theo đó, thủ tục tuyển sinh đào tạo trình độ đại học, cao đẳng quân sự hệ chính quy được quy định như sau:
Bước 1: Thí sinh phải tự mình viết kê khai các mẫu biểu, hồ sơ sơ tuyển thuộc phần quy định thí sinh tự khai và trực tiếp đến nộp hồ sơ sơ tuyển cho Ban Tuyển sinh quân sự cấp huyện (đối với thanh niên ngoài Quân đội), cấp trung đoàn (đối với quân nhân tại ngũ) theo đúng thời gian quy định. Khi đến nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển, thí sinh phải mang Giấy chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ tùy thân khác để đối chiếu.
Bước 2: Ban Tuyển sinh cấp huyện tổ chức khám sơ tuyển sức khỏe (do Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự cấp huyện thực hiện).
Bước 3: Ban Tuyển sinh quân sự cấp huyện tổ chức xác minh chính trị, gồm: Tình hình kinh tế, chính trị của gia đình; tình hình bản thân thí sinh; người cung cấp lý lịch.
Xét duyệt hồ sơ đăng ký dự tuyển kết luận cụ thể những trường hợp dù tiêu chuẩn và những trường hợp không đủ tiêu chuẩn; tổng hợp số đủ tiêu chuẩn được dự tuyển theo từng trường, nộp hồ sơ và danh sách về Ban Tuyển sinh quân sự cấp tỉnh; trường hợp không đủ tiêu chuẩn dự tuyển phải thông báo lý do cụ thể tới thí sinh.
Bước 4: Ban Tuyển sinh quân sự cấp tỉnh xét duyệt kết quả đề nghị của cấp huyện; tổng hợp, bàn giao hồ sơ sơ tuyển, danh sách thí sinh đăng ký dự tuyển, danh sách thí sinh có nơi thường trú phía Nam nhưng thuộc diện hưởng điểm chuẩn đối với thí sinh các tỉnh phía Bắc cho các trường và báo cáo về Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng.
Bước 5: Các trường tổ chức thẩm định và xét duyệt hồ sơ thí sinh đăng ký dự tuyển:
- Thành phần tổ xét duyệt do Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh trường quyết định, gồm: Cán bộ ngành bảo vệ, thanh tra và các cơ quan chức năng của trường.
- Tổ chức xét duyệt hồ sơ chặt chẽ, kiểm tra ảnh, lý lịch chính trị gia đình, kết quả khám sức khỏe, chính sách ưu tiên và các nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký dự tuyển của thí sinh, đối chiếu với các tiêu chuẩn quy định để kết luận thí sinh đủ tiêu chuẩn hay không dự tuyển.
+ Trường hợp xác minh lý lịch của thí sinh do người đăng ký dự tuyển tự khai, tự xin xác nhận của cấp ủy địa phương; cấp ủy địa phương kết luận không rõ về lịch sử chính trị và điều kiện phát triển vào Đảng Cộng sản Việt Nam; hồ sơ không dán ảnh, không đóng dấu hoặc đóng dấu không rõ thì Hội đồng tuyển sinh trường trả hồ sơ cho Ban Tuyển sinh các địa phương để bổ sung, hoàn chỉnh theo quy định.
+ Trường hợp có nghi vấn, hoặc có nội dung chưa rõ, Hội đồng tuyển sinh trường phải yêu cầu Ban Tuyển sinh các địa phương đăng ký dự tuyển xác minh làm rõ.
+ Trường hợp thí sinh là thanh niên ngoài Quân đội đã nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển, qua xét duyệt các trường kết luận không đủ tiêu chuẩn dự tuyển, các trường phải thông báo cho Ban Tuyển sinh quân sự nơi thí sinh đăng ký dự tuyển và thí sinh biết.
- Tổng hợp báo cáo kết quả xét duyệt hồ sơ về Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng, thông báo kết quả xét duyệt hồ sơ cho các địa phương trước ngày 20/6; gửi phiếu báo kết quả cho thí sinh đủ điều kiện dự tuyển trước ngày 27/6 hằng năm.
Như vậy, năm 2025 Bộ Quốc phòng sẽ phối hợp Đại học Quốc gia Hà Nội để tổ chức kỳ thi riêng này theo phương thức tương tự như kỳ thi đánh giá năng lực mà Đại học Quốc gia Hà Nội đang làm.