Thông tư quy định về hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của CAND
Văn bản này được ban hành vào ngày 14/1/2021, là văn bản quy phạm pháp luật hoàn toàn mới quy định về hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; công tác tập huấn, huấn luyện thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của lực lượng Công an nhân dân.
Nổi bật trong văn bản này là quy định về việc Phối hợp trong hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong một số trường hợp nhất định tại Điều 8, cụ thể:
1. Phối hợp khi có bão, áp thấp nhiệt đới
a) Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Bộ Công an phối hợp với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và lãnh đạo Bộ Công an đưa ra các biện pháp chung của lực lượng Công an ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới. Trong trường hợp bão có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc trên diện rộng thì tổ chức họp Ban Chỉ đạo để chỉ đạo ứng phó.
b) Công an các địa phương thực hiện nhiệm vụ sau:
Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, các lực lượng Công an khác phối hợp với lực lượng Quân đội và đơn vị y tế trên địa bàn tổ chức giúp dân sơ tán, chằng chống nhà cửa, sắp xếp vị trí neo đậu tàu thuyền, bảo vệ an ninh, trật tự, tham gia cứu nạn, cứu hộ, bảo vệ các công trình phòng chống lụt, bão theo sự phân công của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương.
Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông địa phương triển khai lực lượng bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt. Tổ chức kiểm soát tại các ngâm, tràn, đường bị ngập, bị sạt lở gây ách tắc giao thông, phân luông, hướng dẫn giao thông để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
2. Phối hợp khi có lũ lớn, lũ quét và sạt lở
a) Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Bộ Công an phối hợp với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và lãnh đạo Bộ Công an đưa ra các biện pháp chung của lực lượng Công an ứng phó khi có lũ lớn, lũ quét và sạt lở. Tổ chức đoàn công tác đến các địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng để tham mưu công tác ứng phó và khắc phục hậu quả.
b) Công an các địa phương thực hiện nhiệm vụ sau:
Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện biện pháp hướng dẫn, phân luồng đảm bảo an toàn các hoạt động giao thông; triển khai một số lực lượng thường trực tại các bến khách ngang sông và các địa bàn xung yếu.
Tăng cường quân số các lực lượng, phương tiện phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương thực hiện công tác ứng phó với là quét, sạt lở; sẵn sàng phương tiện cứu nạn, thông tin liên lạc, vật tư và nhu yếu phẩm thiết yếu sẵn sàng tại các địa bàn xung yếu, vùng có nguy cơ cao, dễ bị chia cắt,
Tổ chức sơ tán đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân: Phối hợp với các lực lượng chức năng khác triển khai việc sơ tán người và tài sản ra khỏi vùng nguy cơ ngập lũ, lũ quét và sạt lở đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Kịp thời sơ cứu người bị thương và chuyển nhanh đến cơ sở y tế gần nhất để cứu chữa; phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương khẩn trương tìm kiếm những người còn mất tích.
3. Phối hợp khi có tin cảnh báo sóng thần, động đất
Khi nhận được tin cảnh báo sóng thần, động đất, Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Bộ Công an và Ban chỉ huy Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện chế độ thông tin, tổ chức ứng phó, sơ tán dân theo Quy chế phòng, chống động đất, sóng thần được ban hành kèm theo Quyết định 78/2007/QĐ-TTg ngày 29/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
4. Phối hợp cứu hộ đê và công trình phòng, chống lũ
Công an các đơn vị, địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia công tác cứu hộ đê và các công trình phòng, chống lũ trên địa bàn khi có yêu cầu của Ủy ban nhân dân các cấp; báo cáo Bộ Công an hỗ trợ, tăng cường, chi viện nếu yêu cầu nhiệm vụ vượt quá khả năng.
5. Phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển
Công tác phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển thực hiện theo Quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển ban hành kèm theo Quyết định 06/2014/QĐ-TTg ngày 20/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
6. Phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên đất liền
Công an các đơn vị, địa phương thực hiện theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương để chuẩn bị lực lượng, phương tiện chủ động thực hiện tìm kiếm cứu nạn.
7. Phối hợp khi có sự cố cháy rừng.
Công an các đơn vị, địa phương thực hiện theo sự chỉ đạo của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương để chuẩn bị lực lượng, phương tiện chủ động thực hiện công tác chữa cháy rừng, chống cháy lan và sơ tán nhân dân khỏi vùng nguy hiểm.
8. Công an các đơn vị, địa phương theo sự chỉ đạo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương để chuẩn bị lực lượng, phương tiện chủ động thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố, thiên tai hoặc tai nạn giao thông đường bộ, đường | thủy, đường sắt đặc biệt nghiêm trọng, điều tiết bảo đảm giao thông, an ninh, trật tự khu vực xảy ra sự cố, tai nạn.
Xem chi tiết tại file đính kèm.