Mỗi công dân được vi phạm pháp luật bao nhiêu lần?

Chủ đề   RSS   
  • #562066 03/11/2020

    hiesutran159
    Top 100
    Male
    Lớp 9

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:12/10/2020
    Tổng số bài viết (692)
    Số điểm: 11623
    Cảm ơn: 29
    Được cảm ơn 756 lần


    Mỗi công dân được vi phạm pháp luật bao nhiêu lần?

    Mỗi công dân được vi phạm pháp luật bao nhiêu lần?

    Vi phạm pháp luật - Ảnh minh họa

    Mỗi công dân đều phải nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật, tuy nhiên có phải người nào có hành vi vi phạm thì đều sẽ bị xử lý hay không, xin mời tham khảo bài viết sau đây.

    Điều 46 Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng.” Tuy nhiên trong quá trình quản lý Nhà nước, việc xử lý vi phạm được chia thành nhiều hình thức, lĩnh vực dựa trên chủ thể của quan hệ pháp luật.

    Vi phạm pháp luật trong Quan hệ Dân sự

    Khoản 2 Điều 3 Bộ luật dân sự 2015 quy định nguyên tắc cơ bản của pháp luật Dân sự như sau:

    “2. Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.”

    Có thể thấy, tinh thần của một quan hệ dân sự là việc thỏa thuận giữa hai bên, tức những vấn đề phát sinh khi một bên không còn tôn trọng thỏa thuận ban đầu sẽ được xử lý trong khuôn khổ thỏa thuận đó, chẳng hạn:

    Anh A thỏa thuận với anh B rằng mình sẽ bán cho B một món đồ với giá 10 triệu đồng, lúc này B có nghĩa vụ phải trả tiền cho A để được nhận món đồ đó, tuy nhiên B chỉ nhận món đồ mà không đưa tiền.

    Lúc này, quan hệ trên được pháp luật điều chỉnh tại Điều 430 và 440 Bộ luật dân sự 2015:

    “Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.”

    “Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền theo thời hạn, địa điểm và mức tiền được quy định trong hợp đồng.”

    Như vậy, dễ dàng nhận thấy B đã vi phạm pháp luật, tuy nhiên pháp luật có xử lý hành vi này không?

    Hình thức xử lý của Nhà nước trong Quan hệ Dân sự

    Quay trở lại bản chất của quan hệ này, hai bên tạo ra giao dịch bằng sự thỏa thuận, tôn trọng lẫn nhau, như vậy Nhà nước sẽ ưu tiên giải quyết sự vi phạm pháp luật trên bằng việc tạo điều kiện cho hai bên thỏa thuận lại một lần nữa về việc phạt vi phạm, chậm trả tiền, tính lãi trên số tiền chậm trả,…

    Nếu ngay cả cách đó vẫn không dung hòa được lợi ích của hai bên, không làm cho mâu thuẫn được giải quyết, lúc này Nhà nước sẽ đứng ra giải quyết như sau:

    Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:

    “Điều 186. Quyền khởi kiện vụ án

    Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.”

    Anh A có cơ sở để chứng minh mình bị thiệt hại, lúc này A có quyền khởi kiện ra Tòa án (cơ quan đại diện cho Nhà nước giải quyết tranh chấp dân sự) để Nhà nước xử lý vụ việc.

    Trong quá trình giải quyết, Nhà nước sẽ phân xử xem ai đúng, ai sai, ai sẽ phải thực hiện nghĩa vụ gì trong quan hệ pháp luật này, sau đó hối thúc, kiểm tra, cưỡng chế người vi phạm phải thực hiện nghĩa vụ chứ không “xử phạt”.

    Tuy nhiên, cần lưu ý một số quan hệ dân sự như lao động, hôn nhân gia đình,... nếu pháp luật có những quy định riêng về việc xử phạt hành chính khi có hành vi vi phạm thì lúc này bản chất của quan hệ pháp luật sẽ không còn là giữa công dân với công dân mà là quan hệ Hành chính. Khi đó việc chấp hành quy định pháp luật sẽ là mệnh lệnh, người vi phạm phải bị xử phạt.

    Như vậy một hành vi vi phạm pháp luật dân sự chỉ bị xử lý nếu nó quy định đặc thù khiến nó trở thành quan hệ Hành chính hoặc Hình sự.

    Vi phạm pháp luật trong Quan hệ Hình sự

    Khác với quan hệ dân sự, quan hệ hình sự có 1 bên tham gia là Nhà nước, bên kia là người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội. Trong đó, Nhà nước tham gia vào quan hệ pháp luật hình sự với tư cách là người bảo vệ pháp luật, bảo vệ lợi ích của toàn xã hội và lợi ích của giai cấp thống trị.

    Trường hợp của A và B, chẳng hạn hành vi không trả tiền của B là vì B muốn chiếm đoạt luôn món đồ có giá trị 10 triệu đó, lúc này Nhà nước quy định tại Điều 175 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):

    “1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng […] thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

    a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

    …”

    Sau khi tiến hành xác minh, điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử Nhà nước xác định có việc B chiếm đoạt tài sản trị giá 10 triệu đồng của A thông qua một hợp đồng mua bán và giá trị tài sản nằm trong dấu hiệu định tội (từ 4 đến 50 triệu đồng).

    Hình thức xử lý của Nhà nước trong Quan hệ Hình sự

    Xác định hành vi của B là vi phạm pháp luật, Nhà nước sẽ trừng trị hành vi sai trái của B bằng cách cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù. Hình phạt này mang tính mệnh lệnh, ép buộc, không thể thỏa thuận.

    Mặt khác, chúng ta lại đặt ta câu hỏi, chẳng hạn trong tình huống này, giá trị tài sản nhỏ hơn 4 triệu đồng, B có bị xử lý hay không?

    Quay lại điều luật được trích dẫn bên trên, trong phần […] quy định như sau:

    “…hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích…”

    Điều này có nghĩa, nếu giá trị tài sản dưới 4 triệu đồng, B sẽ bị xử phạt hành chính, cụ thể tại Điểm c Khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định:

    “1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

    c) Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác;

    …”

    Có thể thấy, khi giá trị tài sản liên quan đến việc vi phạm pháp luật của B là dưới 4 triệu đồng thì:

    - Lần đầu tiên vi phạm pháp luật sẽ bị xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền

    - Lần thứ hai vi phạm sẽ bị xử lý hình sự

    Hoặc:

    - Lần đầu tiên vi phạm pháp luật về một tội khác, đã bị xử lý

    - Lần thứ hai có hành vi vi phạm pháp luật, dù không phải tội cũ nhưng bị xử lý vì tội này, dù giá trị tài sản dưới 4 triệu đồng.

    Trái lại, có những tội mà chỉ cần có hành vi vi phạm, chứ chưa xét đến hậu quả hay thực hiện bao nhiêu lần thì vẫn bị xử phạt, chẳng hạn:

    "Điều 171. Tội cướp giật tài sản

    1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm."

    Theo đó, Nhà nước sẽ xử phạt trực tiếp đối với hành vi chứ không cần quan tâm đến giá trị tài sản thiệt hại là bao nhiêu hay hành vi vi phạm trên là lần thứ mấy anh ta phạm tội.

    Tương tự như vậy, pháp luật Hình sự quy định rõ điều kiện để một người phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc hành chính về hành vi vi phạm của mình, nếu trong điều kiện này có nhắc đến số lần vi phạm thì căn cứ vào đó mà xử phạt.

    Ngoài ra, pháp luật có những chế định riêng, quy định về những trường hợp không phải chịu trách nhiệm hình sự, xem chi tiết TẠI ĐÂY

    Kết luận

    Vậy nếu đặt câu hỏi một người được vi phạm pháp luật bao nhiêu lần, thì có thể trả lời như sau:

    Một người không được phép vi phạm pháp luật dù chỉ 1 lần, tuy nhiên tùy vào quan hệ pháp luật người đó tham gia và tùy vào hình thức xử phạt trong lĩnh vực đó mà Nhà nước quyết định họ có bị xử lý vì hành vi vi phạm của mình hay không.

    Rất mong được bạn đọc đóng góp ý kiến.

    Cập nhật bởi hiesutran159 ngày 03/11/2020 11:40:32 SA
     
    1343 | Báo quản trị |  
    2 thành viên cảm ơn hiesutran159 vì bài viết hữu ích
    dutchgirl (04/11/2020) ThanhLongLS (03/11/2020)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận