Quán cơm bình dân là cụm từ để chỉ các quán cơm có giá bán rẻ, quy mô nhỏ. Vậy khi mở quán cơm bình dân có cần có Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm không?
(1) Cơ sở nào không cần có Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm?
Theo Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định các cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm bao gồm:
- Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;
- Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định;
- Sơ chế nhỏ lẻ;
- Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;
- Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn;
- Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;
- Nhà hàng trong khách sạn;
- Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm;
- Kinh doanh thức ăn đường phố;
- Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận:
+ Thực hành sản xuất tốt (GMP)
+ Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP)
+ Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000
+ Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS)
+ Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC)
+ Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.
Bên cạnh đó, tại khoản 8, 9 và 10 Điều 3 Nghị định 15/2018/NĐ-CP có giải thích như sau:
- Cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ là cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác các nguyên liệu thực phẩm ở quy mô hộ gia đình, hộ cá thể có hoặc không có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Cơ sở sơ chế nhỏ lẻ là cơ sở sơ chế thực phẩm ở quy mô hộ gia đình, hộ cá thể có hoặc không có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ là cơ sở do cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình thực hiện đăng ký hộ kinh doanh và cơ sở không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật.
Như vậy, nếu là cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, chế biến thức ăn, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và không thuộc các trường hợp nêu trên thì bắt buộc phải thực hiện thủ tục đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm.
(2) Mở quán cơm bình dân có cần Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm không?
Xét trên các quy định trên, quán cơm bình dân là cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống ở quy mô vừa và nhỏ, thường hoạt động kinh doanh cố định tại một địa điểm cụ thể.
Bên cạnh đó, theo khoản 5 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm 2010 có quy định:
"Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống là cơ sở chế biến thức ăn bao gồm cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín, nhà hàng ăn uống, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng-tin và bếp ăn tập thể."
Do đó, kinh doanh quán cơm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bắt buộc đăng ký kinh doanh.
Như vậy, có thể thấy mở quán cơm bình dân không thuộc các trường hợp được miễn xin Giấy phép an toàn thực phẩm theo quy định tại khoản 8, 9, 10 Điều 3 và Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP.
Sau khi đăng ký kinh doanh, chủ cơ sở quán cơm bình dân phải làm thủ tục xin cấp Giấy phép an toàn thực phẩm.
Theo Điều 34 Luật An toàn thực phẩm 2010, các cơ sở được cấp Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm phải đủ các điều kiện dưới đây:
- Có đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp với từng loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định tại Chương IV của Luật An toàn thực phẩm 2010
- Có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Ngoài ra tổ chức, cá nhân có thể bị thu hồi Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm khi không đủ điều kiện được quy định ở trên (khoản 2 Điều 34 Luật An toàn thực phẩm 2010).