Minh hôn là gì? Tục minh hôn bắt nguồn từ đâu?

Chủ đề   RSS   
  • #612595 10/06/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 451 lần


    Minh hôn là gì? Tục minh hôn bắt nguồn từ đâu?

    Minh hôn là một trong các hủ tục truyền lại từ đời xưa của Trung Hoa cổ đại, phổ biến vào thời phong kiến. Hãy cùng khám phá nguồn gốc và những bí ẩn xoay quanh hủ tục này.

    (1) Minh hôn là gì?

    Minh hôn hay còn gọi là âm hôn, là một tục lệ kết hôn với người đã chết của người Trung Quốc. Quan niệm xưa cho rằng, người chết mà chưa lập gia đình khi chết đi mồ mả cô độc sẽ không mang tới tài vận và phong thủy tốt cho gia đình.

    Chính vì thế, khi trong nhà có con chết yểu mà chưa thành lập gia đình, các gia đình người Trung Quốc sẽ tìm một thi thể mới chết để kết hôn cùng con của mình, và đó chính là “minh hôn”.

    Hủ tục minh hôn tuy được bắt nguồn từ xa xưa nhưng nó vẫn còn ảnh hưởng đến tư tưởng của nhiều gia đình ở Trung Quốc có con chẳng may yểu mệnh.

    Chính quyền Trung Quốc không cho phép việc tổ chức minh hôn vì nó kéo theo nhiều hệ lụy tệ nạn xã hội, nhưng thực tế, các hoạt động tổ chức “đám cưới ma” vẫn được lén lút tổ chức, các hoạt động mua bán thi thể “cô dâu”, “chú rể” vẫn diễn ra trong thị trường chợ đen, và thường rất có giá trị.

    (2) Tại sao lại tổ chức minh hôn?

    Việc tổ chức minh hôn ngày nay xuất phát trước tiên xuất phát từ các quan niệm dân gian, bên cạnh đó còn có các lý do về thừa kế tài sản, nối dõi gia môn.

    Đối với nhà gái, quan niệm xưa của người Trung Quốc cho rằng, con gái không phải là con của mình, do đó, khi người con gái đó mất đi mà chưa thành lập gia đình thì sẽ không có nơi nương tựa, không có người chăm sóc. Thương con, nhiều gia đình đã tìm mua hoặc thỏa thuận với gia đình khác có con trai mới mất, trạc độ tuổi, đôi khi còn phải “môn đăng hộ đối” để tổ chức minh hôn. Mục đích là để người con gái đó có nơi nương tựa, vì sau khi minh hôn, nhà trai sẽ đem di ảnh của “con dâu” về để lo việc nhang khói, xem như là có gia đình để về. Ngoài ra, còn một số trường hợp tổ chức minh hôn do cô con gái ở nhà đã qua tuổi kết hôn nhưng vẫn chưa ai…”rước”, vì sợ mang tiếng xấu nên nhiều gia đình đã để con mình kết hôn với người đã khuất, sau đó sẽ dọn qua nhà trai ở như một cô con dâu thực thụ.

    Đối với nhà trai, khi con trai trong nhà chưa lập gia đình mà chẳng may qua đời sẽ cảm thấy cô độc, một số quan niệm còn cho rằng người con trai này sẽ “kéo theo” một người thân khác qua đời theo để có “người” bầu bạn với mình cho đỡ cô đơn. Bên cạnh đó, nhà nào có con trai mà có hôn ước từ trước, đã định ngày cưới nhưng chết yểu thì bắt buộc phải tổ chức minh hôn, tránh cho vong linh của người đã khuất quay về quấy phá gia đình, gieo rắc xui xẻo lên gia môn.

    Ngoài những quan niệm đó, có nhiều gia đình tổ chức minh hôn vì chỉ có con trai một, không ai để nối dõi tông đường và kế thừa tài sản. Khi đó, các gia đình sẽ nhận nuôi một cháu bé và để cho hợp thức hóa, họ sẽ tổ chức minh hôn cho con trai của mình, sau đó nhận cháu, và người cháu này sẽ được kế thừa số tài sản của “người cha” đã khuất và có trách nhiệm lo hương đèn cho gia tộc, tổ tiên sau này.

    Còn một lý do khác để tổ chức minh hôn đó là gia đình mà có hai người con, người anh/chị đã mất trước nên người em không thể thực hiện việc kết hôn trước anh/chị của mình, lúc này các gia đình sẽ tổ chức minh hôn cho người chết trước rồi sau đó mới tổ chức đám cưới cho người em. Theo quan niệm xưa thì phải làm như vậy để vong linh của người đã khuất không quấy nhiễu, phá hoại hạnh phúc của em mình.

    (3) Tục minh hôn bắt nguồn từ đâu?

    Theo các nguồn tin, việc minh hôn đã xuất hiện từ thời xa xưa của Trung Quốc. Một số điển tích cho rằng, năm xưa khi Tào Xung - con trai của Tào Tháo - yểu mệnh, chết chưa lập gia đình, Tào Tháo vì thế mà đau buồn cho con trai, tìm cách cưới vợ cho vong linh con trai mình “yên bề gia thất”.

    Một thời gian sau khi tìm mãi mà không có ai đồng ý cho con gái mình cưới người chết, Tào Tháo biết tin nhà họ Chân mới có cô con gái cũng mới chết yểu, liền đến đặt vấn đề xin gả cô gái cho Tào Xung.

    Hai bên chọn ngày lành tháng tốt, tổ chức đám cưới ma và chôn tiểu thư nhà họ Chân cạnh mộ Tào Xung. 

    Từ đó, hủ tục này đã được truyền miệng, lan rộng trong truyền thống của các gia đình thời đó, và phổ biến nhất là ở thời nhà Tống. Ở thời đó, cứ hễ nhà nào có con chết yểu thì bắt buộc phải tổ chức minh hôn và hủ tục này vẫn được giữ đến tận ngày nay.

    (4) Pháp luật Việt Nam có cấm “đám cưới ma” không?

    Theo Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, các hành vi bị pháp luật ngăn cấm trong kết hôn không có quy định nào về việc cấm tổ chức minh hôn, đám cưới cho người chết. Từ đó có thể suy ra hủ tục minh hôn không phổ biến ở nước ta nên pháp luật chưa có quy định cụ thể cho hành vi này. 

    Tuy nhiên, để tổ chức minh hôn thì phải có thi thể của người vừa mất, do đó, để “cung cấp” thi thể cho những gia đình có nhu cầu, các tên trộm mộ sẽ trộm thi thể những người mới mất để bán cho các gia đình này. Từ đó dẫn đến tệ nạn cướp thi, xâm phạm mồ mả người khác. 

    Theo quy định tại Điều 319 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định: Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Nếu có các hành vi sau đây thì khung hình phạt tăng thành phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

    - Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội

    - Chiếm đoạt hoặc hủy hoại vật có giá trị lịch sử, văn hóa

    - Vì động cơ đê hèn

    - Chiếm đoạt bộ phận thi thể, hài cốt

    Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 606 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định, cá nhân, pháp nhân xâm phạm thi thể phải bồi thường thiệt hại.

    Theo đó, mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa đối với mỗi thi thể bị xâm phạm không quá 30 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

    Như vậy, ngoài bị phạt tù, người có hành vi trộm cắp, xâm phạm thi thể còn bị phạt tiền với số tiền tối đa lên đến 54 triệu đồng (1,8 triệu x 30 lần).

    Có thể thấy, tục minh hôn không chỉ là một hủ tục xa xưa, lạc hậu mà còn gây tốn kém, lãng phí và là nguồn cơn của nhiều tệ nạn xã hội như cướp thi thể, đào mộ, phá mộ,...dó đó, chính quyền Trung Quốc vẫn đang rất nỗ lực để dẹp bỏ hủ tục này.

     
    7047 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn motchutmoingay24 vì bài viết hữu ích
    admin (14/08/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận