Miễn nhiệm là gì? Phân biệt miễn nhiệm, bãi nhiệm và cách chức

Chủ đề   RSS   
  • #609762 21/03/2024

    btrannguyen
    Top 500
    Lớp 1

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (222)
    Số điểm: 2856
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 48 lần


    Miễn nhiệm là gì? Phân biệt miễn nhiệm, bãi nhiệm và cách chức

    Ngày 20/3/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp xem xét, cho ý kiến về việc cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với ông Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026. Vậy, thôi giữ chức vụ có phải là miễn nhiệm không? Phân biệt miễn nhiệm, bãi nhiệm và cách chức?

    Miễn nhiệm là gì?

    Theo khoản 6 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định như sau:

    Miễn nhiệm là việc cán bộ, công chức được thôi giữ chức vụ, chức danh khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm.

    Tại Khoản 1 Điều 2 Quy định 41-QĐ/TW năm 2021 quy định miễn nhiệm là việc cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng được yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức.

    Như vậy, miễn nhiệm được thể hiện qua hình thức thôi giữ chức vụ, chức danh.

    Phân biệt miễn nhiệm, bãi nhiệm và cách chức

     

    Tiêu chí phân biệt

    Miễn nhiệm

    Bãi nhiệm

    Cách chức

    Về khái niệm

    Theo Khoản 6 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức 2008cán bộ, công chức được thôi giữ chức vụ, chức danh khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm.

    Theo Khoản 7 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức 2008 là việc cán bộ không được tiếp tục giữ chức vụ, chức danh khi chưa hết nhiệm kỳ.

    Theo Khoản 8 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức 2008 là việc công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bị hạ xuống chức vụ thấp hơn.

    Về chủ thể

    cán bộ, công chức

    cán bộ

    công chức

    Về ý chí

    cán bộ, công chức tự xin miễn nhiệm hoặc bị miễn nhiệm

    cán bộ bị bãi nhiệm

    công chức bị cách chức

    Căn cứ xem xét, ra quyết định

    - Theo Khoản 1 Điều 30 Luật Cán bộ, công chức 2008, cán bộ, công chức xin miễn nhiệm khi:

    + Không đủ sức khỏe;

    + Không đủ năng lực, uy tín;

    + Theo yêu cầu nhiệm vụ;

    + Vì lý do khác.

    - Theo Khoản 3 Điều 29 Luật Cán bộ, công chức 2008: cán bộ 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ.

    - Theo Điều 54 Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định miễn nhiệm đối với công chức khi:

    + Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể đảm nhiệm chức vụ được giao.

    + Bị kỷ luật khiển trách hai lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ hoặc trong thời hạn bổ nhiệm.

    + Có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định.

    + Có hai năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.

    + Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa";

    + Vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác.

    - Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm.

    Vi phạm các quy định của Luật cán bộ, công chức năm 2008 và một số quy định khác của pháp luật tùy theo mức độ.

    - Do có hành vi vi phạm pháp luật

    - Vi phạm về phẩm chất đạo đức

    - Không còn xứng đáng giữ chức vụ được giao

    - Chỉ áp dụng với cán bộ được phê chuẩn giữ chức vụ theo nhiệm kỳ

    Có phải là hình thức kỷ luật?

    Căn cứ theo Điều 78 Luật Cán bộ, công chức 2008

    không

    phải

    phải

    Hậu quả pháp lý

    - Cán bộ sẽ thôi không còn làm việc tại cơ quan, đơn vị nhà nước nữa.

    - Công chức lãnh đạo, quản lý sau khi từ chức hoặc miễn nhiệm được bố trí công tác phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo hoặc nghỉ hưu, thôi việc.

    - Công chức lãnh đạo, quản lý xin miễn nhiệm nhưng chưa được cấp có thẩm quyền đồng ý vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

    Không được tiếp tục giữ chức vụ, chức danh

    - Cán bộ, công chức bị kéo dài thời gian lương 12 tháng

    - Cán bộ, công chức không được nâng ngạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng

    - Cán bộ, công chức bị cách chức do tham nhũng thì không được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo

    Bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

    Việc bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được thực hiện theo quy định tại Điều 51 Luật Cán bộ, công chức 2008 như sau:

    - Việc bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải căn cứ vào:

    + Nhu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

    + Tiêu chuẩn, điều kiện của chức vụ lãnh đạo, quản lý.

    Thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý được thực hiện theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.

    - Thời hạn bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là 05 năm; khi hết thời hạn, cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền phải xem xét bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại.

    - Công chức được điều động đến cơ quan, tổ chức, đơn vị khác hoặc được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý mới thì đương nhiên thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đang đảm nhiệm, trừ trường hợp kiêm nhiệm.

    Sau khi được bổ nhiệm, công chức lãnh đạo, quản lý nếu xét thấy mình đáp ứng các điều kiện miễn nhiệm thì có thể tự xin hoặc cơ quan có thẩm quyền xét thấy công chức thuộc một trong các trường hợp bị miễn nhiệm thì sẽ xem xét miễn nhiệm, quy trình cụ thể như sau: 

    Quy trình xem xét miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý

    Theo Khoản 2 Điều 66 Nghị định Nghị định 138/2020/NĐ-CP, quy trình xem xét miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý được quy định như sau:

    - Khi có đủ căn cứ miễn nhiệm đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý quy định tại khoản 1 Điều này, người đứng cơ quan trực tiếp sử dụng công chức hoặc cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ đề xuất với cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ;

    - Chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất việc miễn nhiệm, tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải thảo luận, biểu quyết bằng phiếu kín. 

    Việc quyết định miễn nhiệm đối với công chức phải được trên 50% tổng số thành viên tập thể lãnh đạo đồng ý;

    Trường hợp nhân sự đạt tỷ lệ 50% thì do người đứng đầu quyết định.

    - Công chức lãnh đạo, quản lý sau khi bị miễn nhiệm, người đứng đầu cơ quan, tổ chức bố trí công tác phù hợp; 

    Công chức có trách nhiệm chấp hành quyết định phân công của cấp có thẩm quyền. Trường hợp công chức bị miễn nhiệm do xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ trong hai năm liên tiếp thì cơ quan có thẩm quyền cho thôi việc theo quy định của pháp luật.

    Trên đây là thông tin về miễn nhiệm và phân biệt miễn nhiệm với các hình thức kỷ luật như bãi nhiệm, cách chức cũng như quy định về bổ nhiệm, miễn nhiệm công chức giữ chức vụ quản lý. Người đọc có thể tham khảo để tìm hiểu thêm những quy định của pháp luật.

     
    1614 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn btrannguyen vì bài viết hữu ích
    admin (16/04/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận