Những ngày gần đây mạng xã hội lại rộ lên trào lưu kêu gọi chiến dịch có tên là “Mẹ ơi đừng giết con” với nội dung kêu gọi 100.000 chữ ký để kiến nghị Quốc hội ban hành luật “cấm nạo phá thai” ở Việt Nam. Trào lưu này được khởi phát từ 02 bạn trẻ đang làm việc tại TP. HCM. Mình sẽ không đi sâu vào bàn về động cơ, mục đích của hành động này, mình chỉ nêu quan điểm của mình về sự việc dưới góc nhìn pháp lý của một người ở độ tuổi trưởng thành.
1. 100.000 chữ ký kêu gọi ban hành Luật có khả thi không?
Trả lời nhanh và ngắn gọn là KHÔNG. Pháp luật là những quy định đặt ra để điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội. Việc xây dựng Luật là việc của các nhà làm Luật, dựa trên những nghiên cứu đánh giá thực tiễn dưới góc độ khoa học, từ đó các nhà làm Luật sẽ đưa ra những quy định để đưa vấn đề đó vào khuôn khổ. Những người làm Luật là những nhà chuyên môn sâu ơ lĩnh vực họ đảm trách, chính vì vậy họ sẽ có những góc nhìn thực tiễn, những cơ sơ khoa học để đưa đến quyết định cuối cùng là có Luật hóa hay không, Luật hóa như thế nào… Ở Việt Nam, không có chuyện một nhóm người nào đó, kêu gọi hành động gì đó để Quốc hội ban hành Luật. Bởi một nhóm người đương nhiên không thể đại diện cho cả xã hội, đó là còn chưa kể 100.000 người nào đó về trình độ khoa học, lý luận không thể nào so sánh với những nhà đảm trách chuyên môn đã được kiểm chứng.
Chính vì vậy, việc kêu gọi chữ ký để ban hành Luật là một điều không khả thi.
2. Ý kiến cá nhân về việc kêu gọi trào lưu “MẸ ƠI ĐỪNG GIẾT CON”
Trước hết mình xin nói tóm tắt về trào lưu này, đó là việc kêu gọi những người phụ nữ mang thai ngoài ý muốn không phá thai, các cơ sở y tế không được phép phá thai và muốn Luật hóa điều này.
Và quan điểm của mình rõ ràng là hoàn toàn không đồng ý.
Nạo phá thai là một thành tựu của y học nhân loại, không phải tự nhiên mà các cơ sở y tế được phép thực hiện điều này. Với lý do là nhân đạo và không muốn giết đi những sinh linh, nhóm người kia kêu gọi việc cấm phá thai nhưng sự thật có nhân đạo như họ vẫn nghĩ? Mình có thể nêu ra một vài ví dụ:
1. Nạn nhân của những vụ án cưỡng bức tình dục;
2. Thai nhi là những bào thai bị dị tật bẩm sinh;
3. Người nữ mang thai ngoài ý muốn..
…
Lấy ví dụ đơn giản và dễ gặp nhất trong thực tế như trên thôi, nếu không cho họ phá thai là rất tàn độc với họ rồi. Thử nghĩ xem một em học sinh là nạn nân của một vụ cưỡng bức đến có thai, không cho em ấy phá thai thì tương lai có phải như sập hẳn hay không? Những thai nhi bị dị tật, nếu vì nhân đạo mà giữ lại thì sinh nó ra nó có được hưởng cuộc sống hạnh phúc đủ đầy hay không? Những cặp nam nữ chưa đủ khả năng nuôi con, sinh con ra thì có phải khổ con, khổ cả cha mẹ hay không?
Sự khơi dậy lòng nhân ái trong xã hội là một điều tốt, nhưng tinh thần nhân ái phải xuất phát từ lương tri và tri thức, nó mới thật sự có giá trị trong xã hội này.