Mất bằng đại học, bằng cấp 3 - Ảnh minh họa
Những trường hợp mất bằng, làm hư hỏng bằng đại học, bằng tốt nghiệp cấp 3 và muốn xin cấp lại thì có được giải quyết hay không, mời tham khảo những thông tin sau.
Sổ gốc cấp bằng được lưu trữ bao lâu?
Quy chế quản lý các văn bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục đại học ban hành kèm theo Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT có quy định như sau:
“Điều 19. Sổ gốc cấp văn bằng, chứng chỉ
1. Sổ gốc cấp văn bằng, chứng chỉ là tài liệu do cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ lập ra khi thực hiện việc cấp bản chính văn bằng, chứng chỉ. […]
Sổ gốc cấp văn bằng, chứng chỉ phải được ghi chính xác, đánh số trang, đóng dấu giáp lai, không được tẩy xóa, đảm bảo quản lý chặt chẽ và lưu trữ vĩnh viễn. […]”
Theo đó, những thông tin, tài liệu để cấp văn bằng tốt nghiệp của cá nhân sẽ được lưu trữ lại vĩnh viễn, người làm mất không phải lo ngại việc thông tin về bằng cấp của mình bị xóa bỏ.
Quyền, nghĩa vụ của người được cấp bằng
Tại Điều 4 của Quy chế:
Về nghĩa vụ của người được cấp bằng ở Khoản 2:
d) Giữ gìn, bảo quản văn bằng, chứng chỉ; không được tẩy xóa, sửa chữa các nội dung trên văn bằng, chứng chỉ; không được cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ;
…
e) Trình báo cho cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ và cơ quan công an nơi gần nhất khi bị mất văn bằng, chứng chỉ;
...”
Về quyền của người được cấp bằng ở Khoản 1:
"b) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc khi có nhu cầu."
Theo đó, trường hợp bị mất văn bằng, việc đầu tiên cần làm là trình báo cho trường đã cấp bằng cho mình và cơ quan công an gần nhất về việc mất bằng.
Khi mất văn bằng, chứng chỉ, người làm mất có thể yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc.
Về việc cấp lại văn bằng, chứng chỉ
Điều 18 Quy chế quy định trường hợp được cấp lại văn bằng, chứng chỉ là:
“1. Trường hợp văn bằng, chứng chỉ đã cấp nhưng phát hiện bị viết sai do lỗi của cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ thì cơ quan đã cấp văn bằng, chứng chỉ có trách nhiệm cấp lại bản chính văn bằng, chứng chỉ.”
Điều này nghĩa là bằng đại học, bằng cấp 3 chỉ được cấp lại nếu có những thông tin bị sai lệch.
Tuy nhiên, người làm mất văn bằng, chứng chỉ cần biết những thông tin sau:
Thứ nhất, bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. (Điều 28 Quy chế)
=> Bản sao từ sổ gốc có thể sử dụng thay cho bản chính, không nhất thiết phải cấp lại bản chính.
Thứ hai, người được cấp bản chính văn bằng, chứng chỉ có quyền yêu cầu cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc (Điều 30 Quy chế)
Thứ ba, thủ tục cấp bản sao như sau: (Điều 31 Quy chế)
1. Hồ sơ đề nghị cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc gồm:
- Đơn đề nghị cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ, trong đó cung cấp các thông tin về văn bằng, chứng chỉ đã được cấp.
- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng để người tiếp nhận hồ sơ kiểm tra.
2. Trình tự cấp lại:
- Người đề nghị cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện 01 (một) bộ hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc.
- Ngay trong ngày tiếp nhận yêu cầu cấp bản sao hoặc trong ngày làm việc tiếp theo, nếu tiếp nhận yêu cầu sau 03 (ba) giờ chiều, cơ quan có thẩm quyền cấp bản sao văn bằng chứng chỉ từ sổ gốc phải cấp bản sao cho người có yêu cầu. Trong trường hợp yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc được gửi qua bưu điện thì thời hạn được xác định từ thời điểm cơ quan tiếp nhận yêu cầu cấp bản sao nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo dấu bưu điện đến.