Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì:
“1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.”
Theo hướng dẫn tại Công văn 1967/BYT-BH năm 2013 xác định bệnh làm căn cứ giải quyết chế độ BHXH thì "Các trường hợp mang thai trứng hoặc có thai ngoài tử cung là các trường hợp bệnh lý".
Cũng theo hướng dẫn tại Công văn 2017/BHXH-CSXH năm 2014 hướng dẫn một số nội dung về chế độ ốm đau, thai sản thì đối với trường hợp mang thai ngoài tử cung thì thực hiện theo chế độ ốm đau
Theo quy định trên đối với trường hợp của lao động nữ thì sẽ không đủ điều kiện để được hưởng chế độ thai sản do mang thai ngoài tử cung vì trường hợp này được xác định là bệnh lý theo quy định. Do vậy, lao động nữ sẽ đủ điều kiện để hưởng chế độ ốm đau.
Như vậy, sau thời gian nghỉ chế độ ốm đau thì lao động sẽ không được nghỉ theo chế độ thai sản.