Trước hết, tôi xin chia sẻ sự cảm thông với hoàn cảnh của bạn!
Tôi chưa từng rơi vào hoàn cảnh của bạn nhưng do công việc nên tôi đã tiếp xúc với nhiều người hoàn cảnh tương tự. Tôi thấy, nếu đã không may rơi vào hoàn cảnh này thì cả người đàn ông lẫn người đàn bà đều đau khổ và người còn đau khổ hơn nữa là những đứa trẻ. Sự chịu đựng nỗi đau khổ này dai dẳng, không hạn định, cho tới khi mình nhắm mắt xuôi tay.
Khi ra toà ly hôn, tâm lý chung thì cả người chồng lẫn người vợ đều cố chứng minh rằng mình mới là người lo toan cho gia đình, mới là người thương con nhiều hơn. Thế nhưng, theo tôi nhận xét thì thông thường, vì thiên chức người mẹ, người đàn bà có sợi dây níu kéo đối với con bền chặt hơn so với sợi dây của đàn ông. Nói thẳng ra, thông thường người phụ nữ thương con hơn so với tình thương của người cha cho con. Ấy là tôi nói chung thôi chứ tôi không nói trường hợp cụ thể của bạn.
Tại sao tôi phải nói điều này? Là vì tôi muốn bạn bình tĩnh nhìn nhận lại vấn đề. Hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh của mẹ cháu xem. Không còn người đàn ông, mất đi trụ cột gia đình. Nghề nghiệp thì lại vất vả, giám sát công trình nay đây mai đó... Cũng có thể vì áp lực công việc, vì áp lực cuộc sống nên mẹ cháu nhất thời không tự chủ được đã xử đòn roi với con. Là cha, bạn xót con cũng là điều dễ hiểu nhưng dù sao, anh em mình là đàn ông, bạn hãy luôn bình tĩnh và đại lượng với phụ nữ. Bạn không nên "hình sự hoá" vấn đề để nghĩ tới chuyện đề nghị khởi tố cô ấy về tội ngược đãi con.
Còn nếu thực sự tình hình cháu quá căng thẳng thì bạn có thể yêu cầu Toà án thay đổi người trực tiếp nuôi con. Tôi dẫn ra điều 93, 94 Luật Hôn nhân- Gia đình để bạn tham khảo.
Điều 93. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
Vì lợi ích của con, theo yêu cầu của một hoặc cả hai bên, Tòa án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được thực hiện trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con và phải tính đến nguyện vọng của con, nếu con từ đủ chín tuổi trở lên.
Điều 94. Quyền thăm nom con sau khi ly hôn
Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con; không ai được cản trở người đó thực hiện quyền này.
Trong trường hợp người không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.