Ái da. Việc bạn hỏi tưởng dễ hoá ra phức tạp. Tình tiết pháp luật ít mà xã hội lại nhiều, trong khi đó chúng tôi chuyên về tư vấn pháp luật. Nhưng đã lỡ hỏi, chúng tôi trả lời.
Theo như nội dung bạn trình bày. Việc của bạn có 02 nội dung:
1. Khi ly hôn người vợ có quyền yêu cầu cấp dưỡng đối với trẻ sinh ra trong thời kỳ hôn nhân không. Dẫu rằng đứa trẻ về mặt sinh học không phải là con của chồng.
2. Sau một thời gian nuôi nấng dạy dỗ đứa trẻ mới phát hiện đứa trẻ không phải là con của chồng hợp pháp. Người chồng có quyền yêu cầu bồi thường các chi phí do nuôi nấng dạy dỗ không. Trong luật gọi là có bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho người chồng về việc nuôi con của người khác không.
Trước khi trả lời, cũng nên chia sẻ với bạn vì câu hỏi chứa nhiều sân hận.
Luật quy định con trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Điều đó quá bình thường trong quan hệ hôn nhân bình thường.
Song, xã hội cũng có những chuyện không bình thường khi con trong thời kỳ hôn nhân nhưng không phải là con của người chồng có giá thú. Khi chồng phát hiện người vợ có quan hệ giới tính ngoài hôn nhân, chắc chắn người chồng sẽ khổ sở. Lòng vị tha bị tính ích kỷ lấn át làm cho người chồng khổ sở và trong một số trường hợp dẫn đến nhiều rủi ro do cách hành xử thái quá nhằm thoả mãn cơn tức giận.
Để bớt khổ cần phải giải toả các ức chế có trong đầu. Cần phải hiểu, bản chất con người không hoàn hảo. Do vậy, ai cũng có thể sa ngã hoặc bị cám dỗ. Vấn đề là họ có mong được luôn sa ngã, luôn được cám dỗ hay không mà thôi.
Hôn nhân hạnh phúc luôn cần sự tha thứ các lỗi lầm của nhau. Đã yêu một người là yêu luôn tính cả tin, dễ bị người khác lợi dụng của người đó. Cả hai cố gắng phải biết cách kiềm chế và giữ gìn cho nhau. Do vậy, bạn nên không sân hận. Hãy tha thứ để giải quyết vấn đề một cách sáng suốt nhất, không nuối tiếc, ân hận sau này.
Con người luôn muốn chiếm hữu những gì mình thích. Sự khác biệt làm nên nhân cách con người. Sự khác biệt có thể xuất phát từ địa vị xã hội, vốn văn hoá của mỗi con người sẽ chi phối cách hành xử trong việc chiếm hữu những cái họ thích mà thôi.
Đối tượng thích của “người thứ ba” là vợ bạn, trong điều kiện hoàn cảnh nào đó khó thoát khỏi cái bẩy của người đó cũng là việc bình thường. Về mặt đạo đức, xã hội luôn lên án người thứ ba đã giăng bẩy chiếm hữu vợ người khác làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình người khác.
Nạn nhân của sự xấu xa, tội lỗi của người thứ ba gây ra, chính là vợ chồng bạn. Do vậy, giữa vợ chồng cần có sự chia sẻ, cảm thông và tha thứ.
Dưới góc độ pháp luật.
Câu hỏi thứ nhất: Khi ly hôn người vợ có quyền yêu cầu cấp dưỡng đối với trẻ sinh ra trong thời kỳ hôn nhân không. Dẫu rằng đứa trẻ về mặt sinh học không phải là con của chồng ?
Theo tôi, yêu cầu có thể được và không được chấp nhận.
Chấp nhận yêu cầu cấp dưỡng trong trường hợp khi người chồng đồng ý để cho người vợ sinh con mà tinh trùng không phải của người chồng. Đó là trong trường hợp người chồng vì một lý do nào đó, không thể có con.
Vì mong muốn có con nên đồng ý để vợ quan hệ tình dục với người khác nhằm mục đích có con hoặc xin tinh trùng của người khác dùng phương pháp khoa học để cấy vào trứng người vợ.
Ngoài trường hợp trên, yêu cầu chồng cấp dưỡng sau khi ly hôn là không chấp nhận.
Về câu hỏi thứ hai: Sau một thời gian nuôi nấng dạy dỗ đứa trẻ mới phát hiện đứa trẻ không phải là con của chồng hợp pháp. Người chồng có quyền yêu cầu bồi thường các chi phí do nuôi nấng dạy dỗ không. Trong luật gọi là có bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho người chồng về việc nuôi con của người khác không ?
Yêu cầu này có thể chấp nhận cũng có thể không.
Nguyên tắc chung khi một người có yêu cầu bồi thường phải chứng minh trước toà rằng yêu cầu của mình là có cơ sở pháp lý.
Về khoản tiền nuôi con, ai đã có con cũng hiểu biết rõ chi phí và công sức cha mẹ trong việc nuôi nấng và dạy dỗ con. Chi phí và công sức rất là nhiều. Nhưng chắc chắn một điều không có cha mẹ nào giữ các hoá đơn đã chi phí trong suốt quá trình nuôi con.
Do vậy, về mặt pháp luật là có thể song yêu cầu này khó chứng minh.
Thân ái
Ls. Phan Thanh Thy
Văn phòng luật sư Hữu Luật
527 Điện Biên Phủ, P.3, Q.3, Tp.HCM
ls.thanhthy@gmail.com
0903 01 01 58
Luật sư Phan Thanh Thy
Văn phòng luật sư Hữu Luật
527 Điện Biên Phủ, P.3, Q.3, Tp.HCM
ls.thanhthy@gmail.com
ls.phanthanhthy@gmail.com
(08) 38302 695 - 0903 01 01 58