Quân chủng lục quân hiện nay có bao nhiêu binh chủng? Sĩ quan lục quân muốn thăng quân hàm cần đáp ứng những gì? Cấp tướng quân đội có hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất là bao nhiêu?
(1) Lục quân có bao nhiêu binh chủng?
Hiện nay, Quân đội nhân dân Việt Nam bao gồm các lực lượng sau đây: lục quân, hải quân, phòng không - không quân, biên phòng và cảnh sát biển.
Trong đó, quân chủng lục quân được xem là thành phần lớn nhất trong Quân đội nhân dân Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong chống chiến tranh, giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Hiện quân chủng lục quân được cấu thành bởi 06 binh chủng, bao gồm:
- Pháo binh: Là binh chủng hỏa lực chủ yếu của Quân đội nhân dân Việt Nam, có nhiệm vụ chi viện hỏa lực cho các lực lượng đánh nhỏ lẻ, phân tán khi tham gia tác chiến; dùng hỏa lực pháo binh bắn tiêu diệt, gây tổn thất làm địch mất sức chiến đấu và nhiều nhiệm vụ đặc thù khác
- Tăng - Thiết giáp: Chịu trách nhiệm tác chiến đột kích trên bộ và đổ bộ, được trang bị các loại xe tăng, xe bọc thép, với hỏa lực mạnh, sức cơ động cao.
- Công binh: Là binh chủng chuyên môn kỹ thuật của Quân đội nhân dân Việt Nam, có chức năng bảo đảm các công trình trong tác chiến, xây dựng các công trình quốc phòng và đảm bảo cầu đường cho bộ đội khi tham gia chiến đấu.
- Thông tin liên lạc: Là cơ quan Chủ nhiệm thông tin toàn quân, chịu trách nhiệm bảo đảm thông tin liên lạc quân sự cho Bộ Quốc phòng chỉ huy, giữa cơ quan chỉ hủy và đơn vị chiến đấu, chỉ đạo các đơn vị trong mọi tình huống.
- Hóa học: Có chức năng bảo đảm hóa học cho tác chiến, làm nòng cốt trong việc phòng chống vũ khí hủy diệt lớn, ngụy trang bảo vệ các mục tiêu quan trọng của Quân đội, nghi binh đánh lừa địch bằng màn khói. Bộ đội Hóa học còn có thể trực tiếp chiến đấu bằng vũ khí bộ binh và súng phun lửa.
- Đặc công: Có nhiệm vụ tập trung nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Quốc phòng Việt Nam xây dựng và phát triển các lực lượng Đặc công theo hướng tinh - gọn - chất lượng cao.
Đây cũng là một lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, quân nhân được tổ chức, trang bị và huấn luyện đặc biệt, có phương pháp tác chiến linh hoạt, táo bạo, bất ngờ, thường dùng để tập kích bất ngờ vào các mục tiêu hiểm yếu nằm sâu trong đội hình chiến đấu, bố trí chiến dịch và hậu phương của địch.
(2) Sĩ quan lục quân muốn thăng quân hàm cần đáp ứng điều kiện gì?
Căn cứ Điều 17 Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam 1999 được sửa đổi bởi Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi 2014 có nêu rõ, để được thăng quân hàm thì sĩ quan Lục quân nói riêng hay các sĩ quan quân đội nhân dân nói chung cần đáp ứng điều kiện như sau:
Tiêu chuẩn chung: Bao gồm:
- Có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, với Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; có tinh thần cảnh giác cách mạng cao, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, hoàn hành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
- Có phẩm chất đạo đức cách mạng; cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
- Phát huy dân chủ, giữ nghiêm kỷ luật quân đội; tôn trọng và đoàn kết với nhân dân, với đồng đội; được quần chúng tín nhiệm;
- Có trình độ chính trị, khoa học quân sự và khả năng vận dụng sáng tạọ chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước vào nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng quân đội nhân dân.
- Có kiến thức về văn hoá, kinh tế, xã hội, pháp luật và các lĩnh vực khác.
- Có năng lực hoạt động thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; tốt nghiệp chương trình đào tạo theo quy định đối với từng chức vụ.
- Có lý lịch rõ ràng, tuổi đời và sức khoẻ phù hợp với chức vụ, cấp bậc quân hàm mà sĩ quan đảm nhiệm.
Tiêu chuẩn cụ thể: Từng chức vụ của sĩ quan sẽ do cấp có thẩm quyền quy định.
- Cấp bậc quân hàm hiện tại thấp hơn cấp bậc quân hàm cao nhất quy định đối với chức vụ, chức danh đang đảm nhiệm.
- Đủ thời hạn xét thăng quân hàm cụ thể:
+ Thiếu úy lên Trung úy: 2 năm.
+ Trung úy lên Thượng úy: 3 năm.
+ Thượng úy lên Đại úy: 3 năm.
+ Đại úy lên Thiếu tá: 4 năm.
+ Thiếu tá lên Trung tá: 4 năm.
+ Trung tá lên Thượng tá: 4 năm.
+ Thượng tá lên Đại tá: 4 năm.
+ Đại tá lên Thiếu tướng tối thiểu là 4 năm.
+ Thiếu tướng lên Trung tướng tối thiểu là 4 năm.
+ Trung tướng lên Thượng tướng tối thiểu là 4 năm.
+ Thượng tướng lên Đại tướng tối thiểu là 4 năm.
Thời gian sĩ quan học tập tại trường được tính vào thời hạn xét thăng quân hàm.
Tuổi của sĩ quan tại ngũ xét thăng quân hàm từ cấp bậc Đại tá lên Thiếu tướng là không quá 57 tuổi.
Trường hợp cao hơn khi có yêu cầu theo quyết định của Chủ tịch nước. Sĩ quan tại ngũ lập thành tích đặc biệt xuất sắc thì được xét thăng quân hàm vượt bậc, nhưng không vượt quá cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh sĩ quan đang đảm nhiệm.
Theo đó, hiện nay, sĩ quan lục quân muốn thăng quân hàm cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định như đã nêu trên.
(3) Cấp tướng quân đội có hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất là bao nhiêu?
Căn cứ khoản 1 Điều 13 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi 2008 quy định hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm, cụ thể:
- Cấp Úy: nam 46, nữ 46;
- Thiếu tá: nam 48, nữ 48;
- Trung tá: nam 51, nữ 51;
- Thượng tá: nam 54, nữ 54;
- Đại tá: nam 57, nữ 55;
- Cấp Tướng: nam 60, nữ 55.
Theo đó, hiện nay hạn tuổi cao nhất của cấp tướng phục vụ tại ngũ là 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ.
Ngoài ra, khi quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ không quá 05 năm; trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn.