Lực lượng kiểm lâm hiện nay chính là lực lượng nòng cốt trong vấn đề bảo vệ tài nguyên rừng, các loại động, thực vật quý hiếm. Tuy nhiên, hoạt động của lực lượng kiểm lâm có thật sự đạt hiệu quả hay không? Cơ chế tổ chức lực lượng kiểm lâm của nước ta đã tối ưu chưa? Đây vẫn là những vấn đề khó có câu trả lời chính xác.
Việt Nam đang là thành viên của Công ước về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Chúng ta có nghĩa vụ quốc tế trong việc bảo vệ rừng và các loại động, thực vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, theo số liệu từ CITES, số lượng những vụ mua, bán trái phép động, thực vật tại Việt Nam vẫn còn tương đối cao. Thậm chí theo bảng xếp hạng của tổ chức bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF) được công bố năm 2012, Việt Nam đứng đầu tiên trong danh sách các quốc gia kém bảo vệ động vật hoang dã.
Từ đó, có thể thấy rằng, sự quản lý của Việt Nam vẫn còn thiếu chặt chẽ hay nói cách khác hoạt động của cơ quan kiểm lâm, lực lượng trực tiếp thực thi Công ước CITES, vẫn còn nhiều hạn chế tồn đọng.
Cơ quan kiểm lâm của chúng ta hiện nay chưa đảm bảo về các số lượng lẫn chất lượng. Số lượng nhân viên kiểm lâm của chúng ta là quá ít. Hơn nữa, bản thân họ cũng bị hạn chế về quyền hạn do lực lượng này không được xem là lực lượng vũ trang. Hiện nay, trước tình trạng lâm tặc đang ngay càng quy mô về cả số lượng lẫn việc trang bị những vũ khí có tính sát thương, cuộc chiến giữa lực lượng kiểm lâm và lâm tặc dường như là không cân sức.
Mức lương của các nhân viên kiểm lâm vẫn còn là thấp, đặc biệt là khi họ phải làm việc trong những điều kiện khó khăn và khắc nghiệt, thường xuyên đối mặt với nguy hiểm về tính mạng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc xuất hiện thực trạng tiêu cực ở một số cán bộ kiểm lâm. Khi mà mức lương không đủ để đáp ứng nhu cầu cần thiết của cuộc sống, họ sẽ dễ dàng bị lôi kéo bởi lâm tặc- khi mà thu nhập của chúng có lẽ cả đời làm kiểm lâm cũng không thể có được.
Đẩy mạnh số lượng kiểm lâm hiện nay có vẻ không phải là giải pháp khả thi bởi lẽ ngân sách nhà nước là không đủ để làm điều đó. Tuy nhiên, nếu chưa thể tăng về số lượng, tại sao chúng ta không tăng về mặt “chất lượng”? Thiết nghĩ, chúng ta cần mạnh dạn trao thêm cho kiểm lâm những quyền hạn của một lực lượng vũ trang.
Khi đó, với quyền hạn có trong tay, họ có thể tự mình trấn áp hiệu quả lâm tặc hơn. Xã hội sẽ chứng kiến ít hơn những người kiểm lâm phải hi sinh vì dũng cảm dám ngăn cản lâm tặc khi trong tay không có đủ quyền hạn. Chúng ta đã thành lập lực lượng cảnh sát biển, cảnh sát môi trường. Vậy tại sao không nâng lực lượng kiểm lâm như một lực lượng cảnh sát bảo vệ rừng.
Dù giải pháp này vẫn có những điểm hạn chế, nhưng có lẽ chúng ta cần những giải pháp mang tính đột phá để tăng hiệu quả trong công tác quản lý.
Nguồn: số liệu được lấy từ website của CITES và WWF.