Luật và Pháp luật có gì giống, khác nhau?

Chủ đề   RSS   
  • #571205 10/05/2021

    vankhanhnhu
    Top 200
    Female
    Lớp 7

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:10/11/2020
    Tổng số bài viết (445)
    Số điểm: 8732
    Cảm ơn: 8
    Được cảm ơn 536 lần


    Luật và Pháp luật có gì giống, khác nhau?

    Khác biệt giữ Luật và Pháp luật - Minh họa

    Khác biệt giữ Luật và Pháp luật - Minh họa

    Trong lĩnh vực có rất nhiều cặp từ tưởng chừng như tương đương nhau nhưng về ngữ nghĩa thì lại có sự khác biệt không hề nhỏ. Luật và Pháp luật chính là một cặp từ như vậy.

    Luật là gì?

    Khi nói đến Luật, chúng ta đã từng nghe qua rất nhiều loại văn bản như Luật đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật trẻ em, Luật Nhà ở, Luật Thi đua, khen thưởng,... Tại thời điểm mình viết bài viết này, có khoảng 479 Luật khác nhau đang có hiệu lực tại Việt Nam! Luật có tuổi thọ lớn nhất vẫn còn hiệu lực là Luật về quyền lập Hội, được ban hành năm 1957!

    Luật, được xếp chung với Bộ Luật là những loại văn bản có hiệu lực ngang nhau, nằm trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam.

    Theo Khoản 1 Điều 3 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật này ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện.

    Khi những quy phạm đó được ghi nhận lại trong một loại văn bản, được Quốc hội thông qua và Chủ tịch nước ký quyết định ban hành, văn bản này sẽ được gọi là Luật.

    => Hiểu đơn giản, Luật là từ để chỉ một loại văn bản trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, là tập hợp những quy định về một ngành, lĩnh vực nào đó.

    Cần nói thêm, hiện nay nhiều người vẫn dùng từ Luật với bất kể quy định pháp luật nào họ nghe thấy, chẳng hạn chúng ta sẽ nghe thấy những câu nói dạng sau đây khi tham gia giao thông: "Quy định của Luật là xe máy vượt đèn đỏ sẽ bị phạt... 600.000 đến 1.000.000 đồng". Thực tế không phải như vậy, đây không phải quy định của Luật. 

    Luật giao thông đường bộ 2008 chỉ quy định "Người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ." (Khoản 1 Điều 8).

    Sau đó, để trả lời cho câu hỏi: Nếu vi phạm quy định của Luật thì sẽ bị xử phạt cụ thể thế nào? Chúng ta phải tìm đến Nghị định - văn bản quy định chi tiết thi hành Luật (hiểu đơn giản là văn bản để hướng dẫn áp dụng Luật). Hiện nay Nghị định 100/2019/NĐ-CP là văn bản giúp bạn tìm tất cả câu trả lời cho câu hỏi: Vi phạm luật giao thông bị phạt ra sao!

    Với trường hợp vượt đèn đỏ, Điểm e, khoản 4, Điều 6 Nghị định này quy định người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng!

    Pháp luật là gì?

    Theo lý thuyết về Nhà nước và Pháp luật, Pháp luật được định nghĩa là hệ thống những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do nhà nước được ban hành hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị và là nhân tố điều chỉnh các quan hệ xã hội phát triển phù hợp với lợi ích của giai cấp mình. 

    Pháp luật có những đặc điểm cơ bản sau đây: 

    (1) Là hệ thống các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung

    (2) Thể hiện ý chí của nhà nước

    (3) Do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện

    (4) Được thể hiện dưới những hình thức nhất định: pháp luật tập quán, pháp luật án lệ, văn bản quy phạm pháp luật

    (5) Nhà nước có thể dùng biện pháp cưỡng chế để đảm bảo cho pháp luật được thực hiện.

    Từ đó, có thể thấy rõ rằng văn bản quy phạm pháp luật chỉ là một nhánh nhỏ trong hệ thống Pháp luật, và Luật lại chỉ là một nhánh nhỏ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

    Vì lý do này, khác biệt lớn nhất giữa Luật và Pháp luật chính là về định nghĩa. Luật là một loại văn bản, Pháp luật là để chỉ một phạm trù gồm nhiều loại văn bản cũng như các hình thức khác để biểu thị các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung.

    Theo định nghĩa này, phạm vi điều chỉnh của Luật sẽ hẹp hơn nhiều so với Pháp luật vì Luật chỉ điều chỉnh một ngành, lĩnh vực, còn Pháp luật là cả một hệ thống quy tắc gắn liền với một nhà nước, giúp nhà nước đó điều hành bộ máy của mình.

    Đối với Luật, người vi phạm gần như chắc chắn có hình thức xử phạt hoặc sẽ bị Tòa xử thua, phải đền bù, bồi thường cho người không vi phạm luật. Đối với Pháp luật, nếu nói đến tập quán, có thể người vi phạm chỉ phải đối mặt với tập quán của khu vực, cộng đồng mình sống chứ không bị cơ quan nhà nước nào xử phạt.

    Dù vậy, có thể thấy điểm chung của Luật và Pháp luật vẫn là "hệ thống các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung." "phải được cơ quan có thẩm quyền ghi nhận, hoặc thông qua."

    Cập nhật bởi vankhanhnhu ngày 10/05/2021 05:13:33 CH
     
    23434 | Báo quản trị |  
    3 thành viên cảm ơn vankhanhnhu vì bài viết hữu ích
    admin (15/06/2022) Nguyenngothanhngan (20/01/2022) ThanhLongLS (10/05/2021)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #571699   29/05/2021

    Pháp luật ra đời vì nhu cầu của xã hội để quản lý một xã hội phát triển ở một mức độ nhất định, khi xã hội đã phát triển quá phức tạp, xuất hiện những giai cấp mang lợi ích đối lập với nhau và nhu cầu về chính trị - giai cấp để bảo vệ lợi ích cho giai cấp, lực lượng thống trị về chính trị và kinh tế trong xã hội.

     
    Báo quản trị |