Sáng nay, đọc báo thấy có cái tít – Chuyện “gian lận” của MC Quyền Linh, mình lật đật vô xem liền. Tưởng là chuyện gì ghê gớm, bởi trước giờ trong mắt mình MC Quyền Linh là một người nghèo khó, đi lên từ chính năng lực của mình. Anh đã trải qua thời gian sống cực khổ nên anh thấu hiểu được nỗi khổ của những người nghèo.
Đọc rồi mới thấy, anh đã “gian lận” chuyện bấm giờ trong chương trình Vượt lên chính mình để cho hộ nghèo được hưởng những phần quà – giúp họ vơi đi bớt cái khổ cực trong cuộc sống.
Khi còn nhỏ, người lớn thường dạy, không được nói dối – nói dối sẽ mang tội…Nhưng trong một số trường hợp được quyền nói dối – bởi nó giúp ích cho người khác. Và việc anh Quyền Linh làm cũng vậy.
Rồi mình tiếp tục lướt báo, lại thấy có chuyện bức xúc – Công an phường tịch thu “trà đá miễn phí” – đúng là đọc xong thấy bức xúc thiệt.
Đi trên đường chắc hẳn các bạn cũng không ít lần bắt gặp những xô trà đá miễn phí ngay vệ đường – một hành động đầy tính nhân văn – người sử dụng nó thường là những người xe ôm, đạp xích lô,…chủ yếu là các thành phần lao động tay chân, vất vả tìm kiếm mưu sinh để trang trải cuộc sống.
Ấy thế mà mấy chú công an phường ở Hà Nội lại tịch thu với lý do, đã nhắc nhở nếu đặt bình trà đá miễn phí thì đặt trong nhà, đặt ngoài đường làm mất mỹ quan đô thị, lấn chiếm lòng lề đường, việc tịch thu là “đúng quy định” ?!
Bình trà đá miễn phí – có thật là chiếm hết lòng lề đường không nhỉ? Để trong nhà thì làm sao người đi đường thấy được mà dùng?
So sánh giữa hành động của anh Quyền Linh với của mấy chú công an tịch thu bình trà đá này, mình thấy có sự khập khiễng nào đó?
Phải chăng họ giải quyết công việc của mình chỉ đặt cái lý mà quên cái tình, vụ việc này khiến người dân quá đỗi bức xúc.
Rồi có những lần đi đường mình bắt gặp cảnh những người buôn bán hàng rong ven chợ, ven đường…khi lực lượng đô thị đi xe tuần tra – theo quán tính những người này sẽ chạy tháo, như kiểu phạm tội mà sợ bị bắt. Bởi họ sợ bị tịch thu hàng không có cái để bán buôn, lại mất bữa cơm…
Nhìn thấy cảnh tượng này trong lòng lại cảm thấy thương, thấy tội những con người này, đâu đó trong cuộc sống vẫn còn những con người phải chạy đôn chạy đáo lo từng bữa cơm.
Thử hỏi, nếu nhìn thẳng vào vấn đề, giải quyết từ cái gốc, xây dựng, hỗ trợ họ nơi cho họ bán buôn đầy đủ thì có còn tình trạng bán hàng rong không?
Giải quyết việc dựa trên luật pháp cũng cần có lý có tình, thì chắc có lẽ người dân sẽ thán phục, an tâm làm việc, giảm thiểu được tình trạng vi phạm nhỉ? Mình thấy Đà Nẵng là một ví dụ mà các tỉnh, thành phố khác cần phải học hỏi.