Trẻ em có quyền được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục. Có không ít trường hợp nhận nuôi trẻ em để bắt trẻ đi xin ăn, bán vé số, làm công…Vậy việc lợi dụng nhận nuôi trẻ để bóc lột sức lao động bị phạt thế nào?
Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi, đây được xem là một hành động cao cả, mang lại cơ hội cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được sống trong môi trường tốt hơn.
Tuy nhiên, có những trường hợp người nhận nuôi lại lợi dụng để bóc lột sức lao động của trẻ, vi phạm nghiêm trọng quyền lợi của trẻ em.
(1) Các hành vi nào bị cấm trong việc nhận nuôi con nuôi?
Căn cứ theo Điều 13 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định các hành vi bị cấm trong việc nhận nuôi con nuôi bao gồm các hành vi sau:
- Lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em.
- Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi.
- Phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi.
- Lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số.
- Lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước.
- Ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị, em nhận nhau làm con nuôi.
- Lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Như vậy, việc lợi dụng con nuôi để bóc lột sức lao động là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật.
(2) Lợi dụng nhận nuôi trẻ để bóc lột sức lao động bị phạt thế nào?
Việc nhận nuôi trẻ để bóc lột sức lao động là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Cụ thể tại khoản 3 Điều 62 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, hành vi vi phạm quy định về nuôi con nuôi sẽ bị phạt tiền từ 05 -10 triệu đồng đối với các hành vi sau:
- Mua chuộc; ép buộc; đe dọa hoặc thực hiện các hành vi khác trái pháp luật để có sự đồng ý của người có quyền đồng ý cho trẻ em làm con nuôi.
- Lợi dụng việc cho, nhận hoặc giới thiệu trẻ em làm con nuôi để trục lợi; trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 3 Điều 62 Nghị định 82/2020/NĐ-CP,
- Lợi dụng việc nhận nuôi con nuôi nhằm bóc lột sức lao động của con nuôi.
Mức xử phạt vi phạm hành chính áp dụng đối với cá nhân, đối với tổ chức mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 139/2021/NĐ-CP.
Bên cạnh việc bị xử lý hành chính, người lợi dụng nhận nuôi trẻ em để bóc lột sức lao động có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
Căn cứ theo khoản 5 Điều 62 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định:
- Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh và chi phí khác (nếu có) do thực hiện hành vi vi phạm lợi dụng việc nhận nuôi con nuôi nhằm bóc lột sức lao động của con nuôi.
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2, các điểm b và c khoản 3 Điều 62.
Như vậy, hành vi nhận nuôi trẻ để bóc lột sức lao động có thể bị phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.
(3) Các trường hợp chấm dứt việc nuôi con nuôi
Căn cứ theo Điều 25 Luật Con nuôi năm 2010, việc nuôi con nuôi có thể bị chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
- Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi.
- Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi;
- Cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi;
- Vi phạm quy định tại Điều 13 của Luật Con nuôi năm 2010 ( trong đó có hành vi lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em)
Như vậy, hành vi lợi dụng nuôi con nuôi để bóc lột sức lao động là trong các trường hợp việc nuôi con nuôi sẽ bị chấm dứt theo quy định của pháp luật
Tóm lại, việc lợi dụng nhận nuôi trẻ để bóc lột sức lao động là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Người nhận nuôi có thể bị phạt tiền từ 05 -10 triệu đồng và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.