Chắc hẳn các bạn cũng đã biết sự kiện lớn nhất chưa từng có từ trước đến giờ đó là Bộ luật hình sự 2015 chuẩn bị đến ngày có hiệu lực (01/7/2016) thì buộc phải lùi lại thời gian thi hành vì phát hiện ra có quá nhiều sai sót, cần phải chỉnh sửa cả về lỗi kỹ thuật lẫn nội dung.
Từ thời điểm phát hiện ra sai sót đến nay, cũng đã hơn 4 tháng, thì đến hạn phải trình Dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi 2016. Lần trình Quốc hội thông qua bản chỉnh sửa này, tôi cũng như bao người khác hy vọng rằng, Bộ luật hình sự này sẽ không bị chỉnh sửa nữa.
Những tưởng đã rút kinh nghiệm từ những người khác, hoặc từ những người đi trước thì hôm qua, tôi lại phát hiện thêm những sai sót được nêu ra tại Thông tư 133/2016/TT-BTC về chế độ kế toán cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhắc đến kế toán thì chúng ta lại nghĩ ngay đến việc phải hết sức cẩn trọng, chi tiết từng chút một về các con số, phải tuân thủ theo những quy tắc nhất định đã được luật hóa trong các văn bản pháp luật.
Nhưng ở đây, ngay cả khâu ban hành cũng như kiểm duyệt văn bản pháp luật trước khi thông qua lại thiếu đi sự cẩn trọng, chi tiết cần phải có, trong khi công việc kế toán luôn đặt ra những nguyên tắc đó để những người thực hiện phải tuân thủ theo. Nếu vi phạm những nguyên tắc đó thì nguy cơ phải đi tù là rất cao.
Kế đến, câu chuyện liên quan đến Luật sửa đổi Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, mới đầu tôi thật sự rất choáng khi hay tin, Luật này sửa đổi đến những 12 Luật có liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Cứ hy vọng rằng mình nghe nhầm tin này, nhưng quả thật không phải nhầm mà là sự thật.
Trong lịch sử lập pháp nước nhà, cũng chưa từng thấy có Luật nào sửa đổi nhiều Luật đến như vậy, mãi đến hôm qua tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi có ý kiến của chủ tịch Quốc hội và những người có mặt tại phiên họp đó thì mới quyết định rút việc sửa đổi các Luật này xuống chỉ còn 03 Luật, đồng thời cần phải có thời gian chuẩn bị thêm.
Trên đây chỉ là vài vụ thực tế cho thấy, thời gian gần đây, có quá nhiều vấn đề liên quan công tác ban hành văn bản pháp luật, đặc biệt là vấn đề liên quan đến sự cẩn trọng chi tiết, điều mà theo tôi đó là nguyên tắc nền tảng mà những người làm công tác ban hành văn bản pháp luật cần phải có – bởi lẽ khi một văn bản pháp luật được ban hành, có khi nó ảnh hưởng đến đời sống của người dân, trong đó có tôi và các bạn, tính sống còn của một doanh nghiệp hay một chiến lược kinh doanh trong ngắn hạn hoặc trung hạn...
Vậy thì phải làm gì để khắc phục những sai sót đó, để nâng cao tính cẩn trọng chi tiết trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện nay?
Cập nhật bởi trang_u ngày 19/10/2016 10:33:10 SA
Cập nhật bởi trang_u ngày 19/10/2016 10:31:40 SA