Luật sư Ngô Ngọc Trai
Trong quản lý đất đai tại Đà Nẵng đã xảy ra bất đồng giữa một cấp chính quyền và cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp.
Thủ tướng chính phủ nhất trí với Kết luận thanh tra cho rằng chính quyền Đà Nẵng vi phạm luật đất đai và nghị định chính phủ, yêu cầu Đà Nẵng nhận sai và khắc phục hậu quả. Phía Đà Nẵng ngược lại phản hồi là không sai, khi không được chính phủ cho tiếp tục giải trình thì có ý kiến báo cáo sự việc lên Bộ chính trị.
Đây là sự việc đặc biệt hiếm có bởi hệ thống chính quyền lâu nay vẫn bị xem là chuyên có chế tài thẳng thừng đối với tất cả những sự bất đồng kể cả bên ngoài hay bên trong hệ thống.
Vụ việc có thể chỉ phát sinh tình cờ do biến đổi tương quan giữa các lực lượng chính trị, tuy nhiên bộc lộ đằng sau thiếu vắng về một cơ chế tài phán pháp lý giải quyết tranh chấp giữa các cơ quan cấp cao, điều có thể còn phát sinh trong tương lai.
Yếu tố pháp lý trong bất đồng
Chính quyền được tổ chức theo luật, ví dụ Luật tổ chức chính phủ, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức tòa án... Mối quan hệ lãnh đạo điều hành giữa các cấp chính quyền cần đảm bảo tuân theo luật.
Luật tổ chức chính phủ quy định Thủ tướng có thẩm quyền đình chỉ việc thi hành hay bãi bỏ những quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân hoặc Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và các văn bản của các cơ quan nhà nước cấp trên.
Trong vụ việc tại Tiên Lãng - Hải Phòng nội dung trên của luật được thực thi toàn diện, chính quyền Hải Phòng đã hoàn toàn chấp nhận khi Chính phủ đánh giá ngược lại toàn bộ vấn đề mà Hải Phòng đã giải quyết trước đó.
Tại sao Đà Nẵng phản ứng khác với Hải Phòng?
Ở góc độ luật pháp, quan điểm của chính quyền Đà Nẵng cũng có cơ sở pháp lý, bất đồng theo đó phát sinh từ một sự thật hay bị quên lãng là luật pháp cũng chỉ là sản phẩm của con người nên có những giới hạn và khiếm khuyết nhất định.
Luật pháp điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, nhưng với sự vận động không ngừng của đời sống với vô vàn sự vụ phong phú phát sinh liên tục, nên trong một số trường hợp đã xảy ra tình trạng thiếu luật hoặc quy định luật lạc hậu trước đời sống.
Đặc biệt có trường hợp tồn tại những cách hiểu và áp dụng khác nhau về cùng quy định pháp luật, như Chính phủ và chính quyền Hải Phòng đã hiểu và áp dụng hoàn toàn ngược nhau về cùng một chính sách pháp luật, khi đó phát sinh nhu cầu về một cơ chế diễn giải luật pháp để xác quyết xem cách hiểu và áp dụng nào là đúng.
Sự việc tại Đà Nẵng có nguyên nhân từ mọi khiếm khuyết của luật pháp. Đầu tiên, cả Đà Nẵng và Chính phủ đều cho mình là đúng và vốn dĩ cũng chỉ có ngần ấy quy định pháp luật, tức là tồn tại những cách hiểu khác nhau về sự cho phép của quy định luật.
Tiếp đến xem ra những quy định bó buộc thanh tra chính phủ viện dẫn đã tụt hậu và không tiến bộ kịp với thực tiễn Đà Nẵng nơi chính quyền vốn năng động của một đô thị phát triển.
Cuối cùng khi tranh chấp xảy ra lại thiếu một cơ chế tài phán phân định đúng sai, trong khi nếu cứ buộc cấp dưới phải phục tùng cấp trên thì không có cơ sở khoa học vì đâu phải cấp trên lúc nào cũng đúng.
Hệ thống pháp luật còn đang trong quá trình xây dựng nên không tránh khỏi khiếm khuyết, lâu nay chúng ít được nhận ra do ít có điều kiện được bộc lộ.
Song trùng với luật pháp hệ thống chính quyền được tổ chức còn nhiều chỗ chưa khoa học, bù đắp vào những chỗ khiếm khuyết quan hệ giữa các cấp chính quyền thường được giải quyết theo đường lối chính trị thay vì theo luật pháp.
Khi phương thức chính trị tỏ ra không bảo đảm có thể giải quyết do chênh lệch giữa các lực lượng thì điều cần thiết là quay lại tìm kiếm cơ chế bảo vệ bởi luật pháp, thứ vẫn được xem là xuất phát từ nhân dân chủ thể của quyền lực đất nước.
Lỗ hổng của luật
Trong vụ việc tại Đà Nẵng, khi không được chính phủ cho tiếp tục giải trình, Đà Nẵng có ý kiến sẽ báo cáo sự việc lên Bộ chính trị, vì các cấp không chịu nhau nên cần có một cơ quan thứ ba giải quyết tranh chấp chứ không thể đụng binh đao.
Về mặt nguyên tắc việc phân định ai đúng ai sai chủ thể thứ ba chỉ có thể là tòa án hoặc trọng tài, việc báo cáo lên Bộ chính trị phải chăng là để tìm kiếm một cơ chế trọng tài khi không có cơ chế giải quyết bằng tòa án hiện nay?
Do các bên không viện dẫn tới quy định của Hiến pháp để cáo buộc bên kia nên không đặt ra nhu cầu về tòa án hiến pháp trong trường hợp này. Đúng nhất thì sự vụ cần được giải quyết theo đường hướng khiếu nại tố cáo hoặc khởi kiện hành chính.
Rà soát hệ thống pháp luật hiện tại thì thấy Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật tố tụng hành chính đều không quy định cơ chế giải quyết trong trường hợp người bị khiếu nại tố cáo hay bị khởi kiện là Thủ tướng, như vậy nếu Đà Nẵng muốn chứng minh là Thủ tướng sai thì không có cơ chế để giải quyết.
Luật chỉ quy định cơ chế khiếu nại, tố cáo, khởi kiện từ Bộ trưởng trở xuống, đồng nghĩa với luật định Thủ tướng không thể bị khiếu nại tố cáo hay khởi kiện.
Đây là điều vô lý và không đảm bảo cơ sở khoa học bởi lẽ Thủ tướng so với Bộ trưởng thực chất chỉ là người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm cao hơn trong hệ thống hành chính và theo đó mức độ hậu quả của sai phạm nếu có cũng lớn hơn.
Không quy định cơ chế xử lý Thủ tướng phải chăng không đặt ra trường hợp Thủ tướng làm sai, lúc nào cũng đúng?
Xét từ gốc rễ mỗi người đều có lý do để vi phạm luật, điều này xuất phát từ căn nguyên bản chất khiếm khuyết của loài người.
Có thể tin Thủ tướng không cố ý vi phạm nhưng không loại trừ trường hợp vô ý nên vẫn cần cơ chế cảnh tỉnh ngăn ngừa, đề cao trách nhiệm. Quy định thiếu hụt như hiện nay nhân dân không với được tới và không buộc được Thủ tướng chịu trách nhiệm.
Thủ tướng đã đứng ngoài cơ chế tài phán và không có khả năng bị xử lý khi sai phạm, thêm vào đó lại nắm giữ cả quyền hành pháp, lập pháp đây là vị trí giữ quyền hạn lớn nhất trong hệ thống chính trị.
Điều này dẫn đến tình trạng Thủ tướng đã mắc sai lầm nhưng không được ai cảnh báo khiến sự việc xấu xảy ra nhân dân nghi ngờ năng lực của Thủ tướng và thất vọng với cơ chế hoạt động của chính phủ.
Ông Dương Chí Dũng điều hành Vinalines không thể nào tồi tệ hơn nhưng vẫn được Thủ tướng quyết định cho thôi chức chủ tịch Vinalines để được bổ nhiệm làm Cục trưởng cục hàng hải, việc bổ nhiệm ở thời điểm Thanh tra chính phủ đã có kết luận về sai phạm tại Vinalines.
Sự việc này khiến Thủ tướng mất uy tín và gây ra những thiệt hại khó tính đếm cho đất nước khi lĩnh vực hàng hải được lãnh đạo bởi một người không xứng đáng.
Trách nhiệm Quốc hội
Chính quyền có hiệu năng làm việc cao sẽ khó tránh khỏi xảy ra sự chồng lấn trong hoạt động từ đó đưa đến bất đồng giữa chính quyền các địa phương hoặc chính quyền trên dưới với nhau.
Mặt khác, trong phân cấp tổ chức hệ thống chính quyền, yếu tố dân chủ giúp cho mỗi cấp có được sự độc lập nhất định, theo đó cấp dưới phục tùng cấp trên nhưng nội hàm việc tuân phục phải theo luật, nội dung chỉ đạo của cấp trên phải đúng luật, nếu không cấp dưới không có nghĩa vụ tuân thủ.
Trong việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng, nếu Thủ tướng là chủ thể có thể bị khiếu nại tố cáo hay khởi kiện, rất có thể sẽ có một cán bộ chính phủ dũng cảm, một lãnh đạo ngành hàng hải có trách nhiệm sẽ lên tiếng để cảnh báo về quyết định và sự việc xấu có lẽ đã không xảy ra.
Thực tế có thể kiến nghị tới Thủ tướng nhưng bản thân việc kiến nghị không tạo ra áp lực trách nhiệm, cộng với tính quan liêu trong cách làm việc lâu nay như đã biết thì việc làm này là vô ích.
Trong tương lai sẽ khó tránh khỏi phát sinh những vụ bất đồng giữa chính quyền các cấp hoặc các địa phương hoặc vụ việc liên quan đến Thủ tướng.
Không thừa nhận điều đó hoặc thiếu cơ chế công khai minh bạch để giải quyết sẽ khiến cho mâu thuẫn vẫn tồn tại âm ỉ hoặc được giải quyết theo đường lối chính trị sẽ là điều không tốt cho nhân dân, sai phạm nếu có sẽ không được công khai minh bạch, không truy cứu được trách nhiệm, đặc biệt những nguyên nhân khuyết thiếu của hệ thống sẽ không được nhận ra.
Những sự việc lùm xùm tại Vinalines và Đà Nẵng liên quan đến Thủ tướng hẳn đã đủ tầm mức quan trọng để Quốc hội nhận ra lỗ hổng của luật pháp và nhu cầu bổ khuyết, Quốc hội cần chứng tỏ trách nhiệm bằng việc bổ sung vào Luật khiếu nại, Luật tố cáo và Luật tố tụng hành chính cơ chế giải quyết bất đồng liên quan đến Thủ tướng.
Có như thế luật pháp mới công bằng khoa học và nghiêm minh, tiệm cận tới khung khổ pháp lý của quốc gia pháp quyền.
Bài đã đăng trên Bbcvietnamese