Lấy trộm bài vị thờ cúng có phạm luật?

Chủ đề   RSS   
  • #547348 29/05/2020

    MinhPig
    Top 75
    Female
    Lớp 12

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:06/04/2018
    Tổng số bài viết (804)
    Số điểm: 20259
    Cảm ơn: 8
    Được cảm ơn 767 lần


    Lấy trộm bài vị thờ cúng có phạm luật?

     

    TTO - Trong khi người cha cho rằng việc đứa con gái lấy trộm hài cốt, bài vị thờ cúng cha mẹ của mình là phạm vào tội trộm cắp tài sản thì các cơ quan tố tụng cho rằng đây chỉ là tranh chấp dân sự.

    TAND TP.HCM vừa có quyết định tạm ngừng phiên tòa xét xử vụ án "đòi lại tài sản và yêu cầu công khai xin lỗi" giữa nguyên đơn là ông Lê Văn Trừ (75 tuổi, ngụ Q.9, TP.HCM) đối với bị đơn là bà N.A. (49 tuổi, con gái ông Trừ).

    Lấy bài vị ông bà đem... thủy táng

    Vụ kiện khởi nguồn từ những mâu thuẫn, tranh chấp đất đai trong nội bộ gia đình ông Trừ. Đầu năm 2018, ông Trừ đã có đơn gửi Công an TP Biên Hòa (Đồng Nai), Công an P.An Phú (Q.2), Công an Q.2 (TP.HCM) tố giác bà A. về hành vi chiếm giữ hũ cốt của mẹ ông và hai bài vị thờ cha mẹ.

    Theo ông Trừ, ông là người thừa kế hàng thứ nhất và duy nhất của cha mẹ ông. Sau khi mẹ ông qua đời, căn cứ lời căn dặn của mẹ lúc còn sống, ông Trừ mang hũ cốt của mẹ gửi bên cạnh hũ cốt của cha tại Quan Âm Tu Viện (P.Bửu Hòa, TP Biên Hòa) để thờ cúng.

    Do mâu thuẫn với cha nên tháng 9-2018, bà A. đến Quan Âm Tu Viện lấy hũ cốt bà nội và hai bài vị về gửi tại một ngôi chùa ở Q.2 (TP.HCM). Sau đó, bà A. tiếp tục đến lấy thêm hũ cốt ông nội nhưng bị sư trụ trì của chùa ngăn lại. Sau khi biết sự việc, ông Trừ nhiều lần yêu cầu con gái trả lại các di vật nêu trên, nhưng bà A. không trả mà còn xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của ông, quấy rối qua điện thoại và qua mạng khiến cuộc sống của ông bị xáo trộn. Ông Trừ đề nghị cơ quan điều tra khởi tố bà A. về hành vi "trộm cắp tài sản" (là hài cốt, bài vị).

    Thụ lý đơn tố giác, Công an TP Biên Hòa xác minh và kết luận đây chỉ là tranh chấp về quyền thờ tự giữa hai bên, chứ không có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Từ đó, công an đã hướng dẫn ông Trừ gửi đơn khởi kiện đến tòa.

    Sau khi đi tìm nhiều nơi, ông Trừ phát hiện con gái gửi hũ cốt của mẹ ông trong chùa nên ông đã đến xin về. Riêng hai bài vị, bà A. cho rằng đã "thủy táng" xuống sông Đồng Nai nên không có để trả lại.

    "Tôi là hàng thừa kế thứ nhất của mẹ tôi. Xét dưới góc độ tài sản, bài vị là di vật, là tài sản vô giá, là tín ngưỡng vô cùng quan trọng đối với bản thân tôi. Tôi mới là người có toàn quyền quyết định nơi đặt hũ cốt, nơi thờ cúng cha mẹ. Bà A. mặc dù là con gái tôi, là hàng thừa kế thứ hai nhưng không có tư cách tranh giành thờ tự với tôi" - ông Trừ viết trong đơn gửi đến tòa.

    Từ đó, ông đề nghị tòa án giải quyết các yêu cầu: trả lại hài cốt, xin lỗi công khai và chấm dứt hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của gia đình ông. Đồng thời đề nghị tòa buộc bị đơn không được đến nhà ông, không được đến Quan Âm Tu Viện. Lý do, theo ông Trừ, việc con gái ông lấy trộm hũ hài cốt và hai bài vị không phải để tranh giành thờ tự, mà mục đích là để uy hiếp ông. Ông vẫn giữ nguyên quan điểm đây không phải là tranh chấp trong gia đình, mà ảnh hưởng đến tâm linh, tín ngưỡng, vi phạm pháp luật hình sự về tội trộm cắp tài sản.

    Vật đặc định, đã vứt không thể lấy lại?

    Trong suốt quá trình giải quyết vụ án, bà A. luôn vắng mặt tại tòa. Tại đơn gửi đến tòa, bà A. không đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Trừ. Lý do: hũ hài cốt ông Trừ đã lấy lại, còn bài vị và bảng tên trên hũ cốt bà đã thủy táng.

    Tháng 11-2019, TAND Q.2 mở phiên xét xử sơ thẩm. Theo tòa, với phong tục tập quán người Việt, trách nhiệm và quyền thờ cúng cha mẹ được giao cho con trai cả trong gia đình. Ông Trừ là con trai duy nhất nên ông có quyền quản lý đối với bài vị và hài cốt của cha mẹ ông. Theo di nguyện của cha mẹ, ông đã gửi bài vị và hài cốt họ cạnh nhau tại Quan Âm Tu Viện. Việc bà A. tự ý mang hũ cốt và bài vị đi khi chưa được ông Trừ đồng ý là trái với đạo lý, trái với phong tục tập quán của người Việt.

    Tuy nhiên, theo lời khai của các bên, bài vị được làm bằng đá, ghi ngày tháng, họ tên, năm sinh và năm mất của người được thờ. Tòa án cho rằng bài vị ghi tên người chết nên đây chỉ là vật thờ cúng, mang giá trị tinh thần, tâm linh, chứ không có giá trị trong giao dịch dân sự. "Hiện tại pháp luật không có quy định về việc sử dụng, chiếm hữu và định đoạt đối với bài vị.

    Tuy nhiên, căn cứ vào khoản 2 điều 113 Bộ luật dân sự, bài vị được coi là vật đặc định (không có vật thay thế). Ông Trừ là người ở hàng thừa kế thứ nhất, cũng là người bỏ tiền ra mua bài vị, gửi và đóng phí cho chùa. Do đó, ông Trừ được xác định là người có quyền sở hữu đối với những vật này. Việc bà A. tự ý lấy bài vị được coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu của ông Trừ đối với những di vật này. Bà A. có trách nhiệm hoàn trả đúng vật đó hoặc bồi thường cho ông Trừ nếu ông có yêu cầu" - tòa án cấp sơ thẩm nhận xét.

    Theo lời khai của bà A., bài vị đã được bà thủy táng tại sông Đồng Nai. Ông Trừ không đưa ra được các chứng cứ chứng minh những di vật này đang tồn tại và do bà A. chiếm hữu. Do vật tranh chấp không còn nên tòa án cho rằng yêu cầu đòi lại tài sản của nguyên đơn là không phù hợp. Các yêu cầu con gái xin lỗi của ông Trừ cũng không được tòa án chấp nhận.

    Tại phiên xử phúc thẩm lần đầu, phía ông Trừ vẫn giữ nguyên yêu cầu đòi lại bài vị. "Bà A. nói đã thủy táng bài vị xuống sông Đồng Nai chỉ là cái cớ để không trả lại. Bà thủy táng ở đâu, tại vị trí nào phải nói rõ? Nếu đã thủy táng, đề nghị tòa tuyên buộc bà phải tổ chức mò tìm để trả lại bài vị" - luật sư bảo vệ cho ông Trừ đề nghị. Xét vụ án còn nhiều vấn đề chưa làm sáng tỏ, đại diện viện kiểm sát đã đề nghị tạm dừng phiên tòa và HĐXX đã chấp nhận.

    Chiều 27-5, phiên tòa phúc thẩm mở lại lần hai nhưng tiếp tục tạm hoãn để thu thập thêm chứng cứ.

    Khó xác định việc lấy bài vị là trộm cắp tài sản

    Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng nếu người con chiếm giữ hũ cốt không trả lại có thể bị xử lý về tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt. Pháp luật quy định vấn đề này rất rõ. Tuy nhiên, việc chiếm giữ bài vị lại chưa có quy định cụ thể. Bài vị là vật không thể thay thế. Nay bị đơn nói đã mất không còn để trả lại, nguyên đơn nói vật vẫn còn thì nguyên đơn phải chứng minh.

    "Trường hợp này, ông Trừ có thể yêu cầu bị đơn bồi thường giá trị của bài vị. Tuy nhiên, do ông không yêu cầu nên tòa án không có căn cứ để xem xét" - luật sư Đức nói.

     

    Theo Tuổi trẻ

    Cập nhật bởi MinhPig ngày 29/05/2020 08:17:45 SA
     
    1995 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận