Lập sai loại hóa đơn theo quy định của pháp luật có bị xử phạt hay không?

Chủ đề   RSS   
  • #612750 13/06/2024

    Lập sai loại hóa đơn theo quy định của pháp luật có bị xử phạt hay không?

    Lập sai loại hóa đơn theo quy định của pháp luật có bị xử phạt hay không? Những trường hợp nào không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn? Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn?

    1. Lập sai loại hóa đơn theo quy định của pháp luật có bị xử phạt hay không?

    Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP. Theo đó, phạt cảnh cáo đối với hành vi lập sai loại hóa đơn theo quy định đã giao cho người mua hoặc đã kê khai thuế, bên bán và bên mua phát hiện việc lập sai loại hóa đơn và lập lại loại hóa đơn đúng theo quy định trước khi cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế và không ảnh hưởng đến việc xác định nghĩa vụ thuế.

    Đồng thời, theo điểm d khoản 4 Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP. Đối với hành vi lập sai loại hóa đơn theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và đã giao cho người mua hoặc đã kê khai thuế (trừ trường hợp phạt cảnh cáo) thì sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

    Tuy nhiên, căn cứ Điều 5 Nghị định 125/2020/NĐ-CP. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, trừ mức phạt tiền đối với hành vi quy định tại Điều 16, Điều 17 và Điều 18 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

    Như vậy, đối với hành vi lập sai loại hóa đơn sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền lên đến 16.000.000 đồng.

    2. Những trường hợp nào không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn?

    Căn cứ Điều 38 Nghị định 125/2020/NĐ-CP. Theo đó, không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn trong các trường hợp sau:

    (i) Trường hợp quy định tại Điều 9 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

    (ii) Không xác định được đối tượng vi phạm hành chính về hóa đơn.

    (iii) Đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn quy định tại Điều 8 Nghị định 125/2020/NĐ-CP hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

    (iv) Cá nhân vi phạm hành chính về hóa đơn đã chết, mất tích; tổ chức vi phạm hành chính đã bị giải thể, phá sản trong thời gian xem xét ra quyết định xử phạt, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 4 Điều 41 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

    Căn cứ xác định cá nhân chết, mất tích; tổ chức bị giải thể, phá sản theo quy định tại khoản 2 Điều 41 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

    (v) Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự.

    Trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản (i), (ii), (iii), (iv) nói trên thì người có thẩm quyền xử phạt không ra quyết định xử phạt nhưng phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định (nếu có). Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả phải ghi rõ lý do không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng, trách nhiệm và thời hạn thực hiện.

    Như vậy, nếu thuộc các trường hợp trên thì không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn.

    3. Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn?

    Căn cứ Điều 40 Nghị định 125/2020/NĐ-CP. Theo đó, thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định xử phạt. Quá thời hiệu thi hành nêu trên mà cơ quan thuế chưa thực hiện giao, gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định tại Điều 39 Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì không thi hành quyết định xử phạt.

    Trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

    Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu thi hành quyết định xử phạt được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.

    Trường hợp cơ quan thuế đã giao, gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định tại Điều 39 Nghị định 125/2020/NĐ-CP nhưng cá nhân, tổ chức bị xử phạt chưa nộp hoặc chưa nộp đủ tiền phạt, tiền thuế truy thu, tiền chậm nộp thì cơ quan thuế phải theo dõi các khoản tiền chưa nộp trên hệ thống quản lý thuế và áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định để thu đủ số tiền phải nộp vào ngân sách nhà nước.

     
    333 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận