Lập nhóm anti-fan để công kích người nổi tiếng bị xử phạt thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #614687 31/07/2024

    phucpham2205
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1130)
    Số điểm: 20029
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 386 lần
    SMod

    Lập nhóm anti-fan để công kích người nổi tiếng bị xử phạt thế nào?

    Trên mạng xã hội hiện nay, không khó để bắt gặp một nhóm anti-fan người nổi tiếng nào đó và nhận được lượng tương tác lớn từ người dùng. Vậy hành vi này có vi phạm pháp luật không?

    (1) Lập nhóm anti-fan để công kích người nổi tiếng là vi phạm pháp luật?

    Trước tiên, theo quy định tại Điều 25 Hiến pháp 2013 thì tự do ngôn luận là quyền của công dân và pháp luật không cấm việc công dân được bày tỏ quan điểm, thái độ cũng như ý kiến của mình một cách trực tiếp hoặc trên các phương tiện truyền thông hay mạng xã hội.

    Tuy nhiên, quyền tự do ngôn luận tại đây cũng cần phải nằm trong khuôn khổ của pháp luật cho phép và không được xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

    Bởi theo khoản 3 Điều 16 Luật An ninh mạng 2018 cũng có nêu rõ, hành động lợi dụng quyền tự do dân chủ để cung cấp các thông tin sai sự thật, bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác hoặc vu khống người khác là hành vi vi phạm pháp luật.

    Từ dẫn chiếu những quy định nêu trên, có thể thấy, pháp luật hiện hành không cấm người dân tham gia vào các nhóm anti-fan trên mạng xã hội. Tuy nhiên, người tham gia cũng cần phải tỉnh táo, tuyệt đối không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác cũng như là không nên bị dẫn dắt bởi những thông tin chưa được kiểm chứng. 

    Về phần những quản trị viên (admin), quản lý các hội nhóm, đây sẽ là những người có trách nhiệm chính liên quan đến thông tin được đăng trên trang của các hội nhóm đó. Theo đó, nếu vì động cơ cá nhân hoặc thiếu kiểm soát thông tin mà biến hội nhóm trở thành công cụ để thực hiện các hành vi đưa tin trái pháp luật thì sẽ tùy theo mức độ vi phạm mà người này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

    (2) Lập nhóm anti-fan để công kích người nổi tiếng bị xử phạt thế nào?

    Như đã có nêu tại mục (1), việc lập nhóm anti-fan để công kích người nổi tiếng cũng có thể được coi là hành vi vi phạm pháp luật nếu xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Theo đó, người vi phạm trong trường hợp này có thể bị xử phạt theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP là phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

    Bên cạnh đó, trường hợp hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì người này còn có thể bị xử phạt từ 20 đến 30 triệu đồng.

    Ngoài ra, còn bị buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.

    Tuy nhiên, theo Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP có quy định như sau:

    “3. Mức phạt tiền quy định từ Chương II đến Chương VII tại Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ quy định tại Điều 106 Nghị định này. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.”

    Theo đó, đối với hành vi lập nhóm anti-fan để công kích người nổi tiếng mà cung cấp thông tin sai sự thật, bịa đặt, vu khống nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thì có thể bị xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng đối với tổ chức và 5 đến 10 triệu đồng đối với cá nhân.

    (3) Có truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi lập nhóm anti-fan để công kích người nổi tiếng không?

    Ngoài mức xử phạt vi phạm hành chính như đã có nêu tại mục (2), trường hợp xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác gây hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ Luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ Luật Hình sự 2017 với mức xử phạt cao nhất lên đến 05 năm tù và có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

    Bên cạnh đó, trường hợp bịa đặt, vu khống, loan truyền những thông tin sai sự thật gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo Điều 156 Bộ Luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ Luật Hình sự 2017 với mức xử phạt cao nhất là 07 năm tù. Ngoài ra, còn có thể bị bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

    Theo đó, trường hợp lập nhóm anti-fan để công kích người nổi tiếng mà gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vu khống, loan truyền những thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định nêu trên.

     
    89 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận