Trong các nội dung của hợp đồng thử việc không có quy định nội dung về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế
Lao động trong thời gian thử việc không đóng BHXH
Bà Hoan gửi đến HTTT Bộ với Người dân và doanh nghiệp một số thắc mắc về việc đóng BHXH và BHTN cho người lao động như sau:
Theo quy định tại khoản 4, điều 42, quyết định 595/QĐ-BHXH; Khoản 1 Điều 3 Bộ luật lao động năm 2012, Căn cứ vào những quy định nên trên, chúng tôi có một vài điểm chưa rõ ràng, mong quý cơ quan giải đáp như sau:
1. Đối với tháng người lao động làm việc có cả thời gian thử việc và thời gian chuyển chính thức (thời gian làm việc theo Hợp đồng lao động) thì nếu công ty thực hiện như dưới đây thì có đúng theo quy định của luật không?
a. Nếu trong tháng người lao động có tổng số ngày thử việc >=14 ngày (ngày làm việc) thì trong tháng đó người lao động không được tham gia BHXH
b. Nếu trong tháng người lao động có tổng số ngày thử việc <14 ngày (ngày làm việc):
Nếu tổng số ngày thử việc + số ngày nghỉ không hưởng lương sau thời gian thử việc ( trong thời gian thực hiện hợp đồng lao động) >=14 ngày (ngày làm việc) thì tháng đó người lao động cũng không tham gia BHXH.
Nếu tổng số ngày thử việc + số ngày nghỉ không hưởng lương sau thời gian thử việc ( trong thời gian thực hiện hợp đồng lao động) <14 ngày (ngày làm việc) thì tháng đó người lao động sẽ được tham gia BHXH.
2. Công ty không phải chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức đóng BHXH, BHYT bắt buộc, BHTN của tháng có cả thời gian thử việc và thời gian chuyển chính thức (làm việc theo HĐLĐ) cho 2 trường hợp trên. Vì người lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHYT bắt buộc, BHTN thì ngoài việc trả lương theo công việc, người sử dụng lao động mới có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức đóng BHXH, BHYT bắt buộc, BHTN và tiền nghỉ phép hằng năm theo quy định. Tuy nhiên, người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng mới được xác định là người lao động. Hợp đồng lao động ở đây phải được giao kết theo Hợp đồng lao động không xác định thời hạn; Hợp đồng lao động xác định thời hạn; Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. Còn người làm việc theo hợp đồng thử việc chưa được xác định là người lao động vì vậy ngoài tiền lương đã thỏa thuận người đang thử việc sẽ không được nhận thêm khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH, BHYT bắt buộc, BHTN và tiền nghỉ phép hằng năm theo quy định. Công ty chúng tôi thực hiện như vậy có đúng theo quy định của pháp luật không?
Vấn đề này, Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
1. Về hợp đồng thử việc và hợp đồng lao động
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 và Khoản 1 Điều 29 của Bộ luật Lao động năm 2012 thì “Người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Nếu có thoả thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc” và “Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.”
Mặt khác, theo quy định tại khoản 3 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội thì người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó.
Như vậy, trường hợp trong tháng vừa có thời gian thử việc, vừa có thời gian làm việc theo hợp đồng lao động mà tổng số thời gian không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó.
2. Về việc trả khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 186 của Bộ luật Lao động năm 2012:
- Đối với thời gian thử việc: người sử dụng lao động không phải thực hiện trách nhiệm này căn cứ theo các quy định tại Khoản 1 Điều 23 và Khoản 1 Điều 26 của Bộ luật Lao động năm 2012 (trong các nội dung của hợp đồng thử việc không có quy định nội dung về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế).
- Đối với trường hợp người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp nhưng không đóng bảo hiểm xã hội do người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định tại khoản 3 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội thì người sử dụng lao động không thuộc đối tượng áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 186 của Bộ luật Lao động năm 2012.
Theo Bộ lao động thương binh xã hội