Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, lần đầu tiên môn Mỹ thuật sẽ được đưa vào dạy ở cấp THPT
Đây là một điểm mới, nhận được sự quan tâm của các nhà trường, các thầy cô giáo và xã hội, bởi việc đưa những môn học này vào giảng dạy cần chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất đáp ứng với yêu cầu riêng của môn học.
Môn Mỹ thuật lần đầu tiên được đưa vào dạy – học ở cấp Trung học phổ thông là một trong những điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông, cũng như điểm mới của chương trình môn học. Điều này đã có ý nghĩa nhất định. Bởi Mỹ thuật là môn học thuộc lĩnh vực nghệ thuật thị giác, hướng tới bồi dưỡng, hình thành, phát triển năng lực thẩm mỹ cho học sinh. Đây là thành tố góp phần đáp ứng mục tiêu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông được Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội quy định: “phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể mỹ…”.
Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành đã để trống một khoảng giáo dục thẩm mỹ thông qua hoạt động dạy - học mỹ thuật ở cấp THPT, điều này hạn chế tính liên thông giữa các cấp học trong bậc học, giữa giáo dục phổ thông với giáo dục nghề nghiệp ở bậc học cao hơn, cũng như hạn chế khả năng đáp ứng nguồn nhân lực lao động gắn với mỹ thuật trong thực tiễn đời sống.
Do vậy, đổi mới giáo dục lần này, đưa mỹ thuật vào dạy - học ở cấp THPT là góp phần làm kín khoảng trống về giáo dục thẩm mỹ, cũng như khắc phục những hạn chế nêu trên; đồng thời, đáp ứng mục tiêu giáo dục phân hóa, giáo dục định hướng nghề nghiệp ở cấp THPT đã được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Học sinh trung học phổ thông là đối tượng đang trong thời kỳ phát triển hoàn thiện về thể chất và nhân cách, có nhu cầu tìm hiểu về lý tưởng, các giá trị xã hội; có ý thức định hình quan điểm, nhận thức về cái tôi. Bởi vậy, giáo dục thẩm mỹ nói chung, giáo dục thẩm mỹ thông qua mỹ thuật trong giai đoạn này giúp các em định hướng nhận thức về quan hệ thẩm mỹ của con người đối với hiện thực; hình thành thị hiếu thẩm mỹ phù hợp với truyền thống văn hóa, nghệ thuật dân tộc và thời đại; đặt ra vấn đề tự khẳng định mình trong cuộc sống và nghề nghiệp; lựa chọn con đường tiếp theo phù hợp với sở thích, thiên hướng mỹ thuật, tham gia đời sống xã hội một cách thiết thực và hiệu quả.
Tuy nhiên, bước đầu sẽ gặp nhiều khó khăn tập trung ở vấn để đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Để khắc phục những khó khăn trên, một số giải pháp trước mắt cũng như lâu dài.
Trước hết, các cơ sở đào tạo giáo viên mỹ thuật, cần xúc tiến xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên, đảm bảo sau khi được tập huấn, kết hợp với sự chủ động nghiên cứu, tìm hiểu của bản thân, giáo viên thực hiện giảng dạy được chương trình.
Trong thời gian đầu, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhà trường có thể căn cứ trên nhu cầu lựa chọn của học sinh, điều kiện thực tiễn của địa phương để tổ chức dạy học một cách linh hoạt, như mời giáo viên hoặc cho phép học sinh đăng ký học ở cơ sở đào tạo khác.
Việc đưa mỹ thuật vào dạy – học ở cấp Trung học phổ thông là đáp ứng sự mong mỏi của nhiều thế hệ những người làm công tác nghệ thuật nói chung, công tác giáo dục mỹ thuật trong hệ thống giáo dục nói riêng, cũng như những người quan tâm đến giáo dục mỹ thuật - giáo dục thẩm mỹ ở trường phổ thông.