Làm thủ tục vay vốn nhưng không nộp lại cho ngân hàng thì phạm tội gì?

Chủ đề   RSS   
  • #448836 06/03/2017

    Làm thủ tục vay vốn nhưng không nộp lại cho ngân hàng thì phạm tội gì?

    Chào quý Luật sư!!

    Tôi có người chị là Hội trưởng hội phụ nữ phường, được ủy nhiệm làm thủ tục vay vốn ngân hàng Đông á cho các chị em khó khăn trong Hội phụ nữ để có kinh phí làm ăn, sau đó có đại diện thu tiền trả vốn và lãi vay của từng chị em khi đến kỳ hạn qua giấy biên nhận. Đến nay chị đã thu tiền của nhiều người nhưng không nộp lại và bị Ngân hàng Đông á làm đơn tố cáo đến cơ quan công an. Cho tôi hỏi chị tôi phạm tổi gì và có bị phạt tù không ạ. Xin cám ơn quý luật sư!!

     
    3362 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #449353   13/03/2017

    Chào bạn, rất cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi. Dựa trên thông tin mà bạn cung cấp, tôi xin có một vài trao đổi như sau:

    1. Về khả năng phạm tội:

    Hành vi của chị bạn có đặc điểm chiếm đoạt tài sản dựa trên sự tin tưởng. Chị bạn không có thủ đoạn gian dối để lấy lòng tin nên nếu có phạm tội, hành vi của chị bạn sẽ gần nhất với tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tại Điều 140 BLHS 1999 sửa đổi năm 2009:

    Điều 140. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

    1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

    a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

    b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. […]”

    Căn cứ vào điều luật trên, nếu có đủ các yếu tố sau đây thì sẽ cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản:

    - Hành vi Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồngChị của bạn được chị em phụ nữ trong hội ủy quyền trả nợ ngân hàng khi đến kỳ hạn. Như vậy, chị của bạn đã nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng.

    - Hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Thông tin bạn cung cấp chưa rõ ràng do vậy không thể kết luận chắc chắn chị của bạn có thực hiện một trong những hành vi này hay không. Tuy nhiên nếu có những biểu hiện sau thì có thể coi là đã thực hiện hành vi đó: chị của bạn thu tiền của chị em, khi đến hạn phải trả tiền cho ngân hàng mà không chịu trả mặc dù ngân hàng đã gửi thông báo yêu cầu trả tiền; chị của bạn được chị em ủy quyền cầm số tiền mang trả cho ngân hàng nhưng lại dùng số tiền đó vào mục đích khác dẫn đến không có tiền trả cho ngân hàng; chị của bạn bỏ trốn.

    - Mục đích chiếm đoạt: chị của bạn phải có ý muốn chiếm đoạt tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình. Tài sản ở trường hợp này là số tiền thuộc quyền sở hữu của các chị em phụ nữ. Vì chị của bạn được chị em phụ nữ ủy quyền trả tiền ngân hàng nên chị của bạn có thể chiếm hữu số tiền đó một cách hợp pháp trong một khoảng thời gian tạm thời cho đến khi phải thực hiện công việc được ủy quyền (trả tiền ngân hàng). Tuy nhiên đến lúc phải thực hiện công việc được ủy quyền, tức đến kỳ hạn phải trả tiền ngân hàng, mà chị của bạn cố tình không thực hiện thì sẽ bị coi là có mục đích chiếm đoạt. Ví dụ: chị của bạn cầm tiền gom tiền rồi bỏ trốn; chị của bạn cố tình không đến ngân hàng trả tiền; chị của bạn sử dụng số tiền đó vào việc khác và không định trả lại tiền;...

    - Số tiền chị của bạn đang chiếm hữu có giá trị từ 04 triệu đồng trở lên hoặc dưới 04 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

    Nếu hành vi của chị bạn thỏa mãn đầy đủ các yếu tố trên thì chị của bạn sẽ phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

    2. Về hình phạt, ngoài mức phạt tù ở khoản 1 đã nêu bên trên, căn cứ vào số tiền chiếm đoạt, chị của bạn có thể

     - Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng: bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm

    - Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng: bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm

    - Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên: bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

    Ngoài ra, Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này.

     

    Trên đây là một số ý kiến trao đổi của tôi về trường hợp mà bạn đưa ra. Do thông tin còn hạn chế và một vài tình tiết khúc mắc nên không thể tư vấn kỹ càng. Để được tư vấn đầy đủ hơn mong bạn liên hệ với chúng tôi qua thông tin bên dưới. Trân trọng!

    Chuyên viên tư vấn Nguyễn Khắc Thu 

    BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT DÂN SỰ | CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM

    M: (+84-4) 32.123.124; (+84-4) 32.899.888 - E: cle.vietkimlaw@gmail.com; luatvietkim@gmail.com - W: www.vietkimlaw.com

    Ad: Trụ sở chính - Tầng 5, Tòa nhà SHB, 34 Giang Văn Minh, Ba Đình, HN | VPGD - Tầng 5, Nhà C, 236 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, HN.

     
    Báo quản trị |