Làm nhà ở vượt quá giấy phép xây dựng thì bị xử phạt như thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #612753 13/06/2024

    Làm nhà ở vượt quá giấy phép xây dựng thì bị xử phạt như thế nào?

    Làm nhà ở vượt quá giấy phép xây dựng thì bị xử phạt như thế nào? Các biện pháp khắc phục hậu quả về xây dựng? Ai có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính về xây dựng?

    1. Làm nhà ở vượt quá giấy phép xây dựng thì bị xử phạt như thế nào?

    Căn cứ điểm a khoản 6 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP. Theo đó, đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ, hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng mới sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

    Đồng thời, căn cứ điểm c khoản 15, khoản 16 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP. Đối với hành vi vi phạm xây dựng nhà ở riêng lẻ vượt quá giấy phép xây dựng, sai nội dung giấy phép thì buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm mà hành vi vi phạm đã kết thúc; nếu công trình đang thi công xây dựng thì ngoài việc bị phạt tiền theo quy định còn phải tuân theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 81 Nghị định 16/2022/NĐ-CP.

    Trường hợp xây dựng không đúng giấy phép xây dựng được cấp nhưng không thuộc trường hợp phải điều chỉnh giấy phép xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng thì không bị coi là hành vi xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp.

    Như vậy, đối với hành vi làm nhà ở vượt quá giấy phép xây dựng thì bị xử phạt lên đến 40.000.000 đồng. Đối với cá nhân thì hành vi này sẽ bị phạt tiền bằng ½ đối với tổ chức.

    2. Các biện pháp khắc phục hậu quả về xây dựng?

    Căn cứ khoản 4 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP. Theo đó, biện pháp khắc phục hậu quả về xây dựng gồm:

    - Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.

    - Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

    - Buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.

    - Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng.

    - Buộc tiêu hủy sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo chất lượng.

    - Những biện pháp khác được quy định cụ thể tại Nghị định 16/2022/NĐ-CP.

    Như vậy, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả.

    3. Ai có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính về xây dựng?

    Căn cứ Điều 72 Nghị định 16/2022/NĐ-CP. Theo đó, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính được quy định cụ thể như sau:

    - Người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 73, Điều 74, Điều 75, Điều 76, Điều 78, Điều 79 và Điều 80 Nghị định 16/2022/NĐ-CP.

    - Công chức thuộc Ủy ban nhân dân các cấp được giao nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện vi phạm hành chính về xây dựng quy định tại Nghị định 16/2022/NĐ-CP.

    - Công chức, viên chức, thanh tra viên thuộc cơ quan thanh tra nhà nước ngành Xây dựng được phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra chuyên ngành độc lập hoặc thanh tra theo đoàn thanh tra.

    - Công chức, viên chức được phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm tra trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước về: hoạt động xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh bất động sản, quản lý, phát triển nhà.

    - Người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 77 Nghị định 16/2022/NĐ-CP được lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điều 6 Nghị định 16/2022/NĐ-CP.

    Như vậy, đối với mỗi hành vi vi phạm thì thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính về xây dựng sẽ khác nhau.

     
    201 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn lengocthuylinh vì bài viết hữu ích
    HuyenVuLS (18/06/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận