Theo Báo Phụ Nữ Việt Nam đưa tin, tại xã Tam Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội) vừa qua xảy ra vụ việc cháu bé 12 tuổi được gia đình thấy có biểu hiện bụng to bất thường nên đưa đi kiểm tra và phát hiện đang mang bầu ở tháng thứ 6. Vậy, người làm cho cháu bé có thai sẽ bị xử lý thế nào?
Làm người dưới 13 tuổi có thai sẽ bị xử lý thế nào?
Theo quy định tại Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 24 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi như sau:
- Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
+ Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ;
+ Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
+ Có tính chất loạn luân;
+ Làm nạn nhân có thai;
+ Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
+ Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Đối với 02 người trở lên;
+ Tái phạm nguy hiểm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
+ Có tổ chức;
+ Nhiều người hiếp một người;
+ Đối với người dưới 10 tuổi;
+ Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
+ Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
+ Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
- Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, dù quan hệ tự nguyện hay ép buộc với người dưới 13 tuổi đều sẽ bị truy cứu với tội danh hiếp dâm người dưới 16 tuổi.
Theo đó, làm người dưới 13 tuổi có thai sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm và có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Nếu gia đình không yêu cầu xử lý, người làm người dưới 13 tuổi có thai có bị khởi tố không?
Theo Khoản 1 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự 2021 quy định về các trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại như sau:
Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ Luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
Theo đó, tội phạm hiếp dâm người dưới 16 tuổi được quy định tại Điều 142 Bộ luật hình sự 2015 không nằm trong quy định trên, vì vậy dù không có yêu cầu của bị hại thì người làm người dưới 13 tuổi có thai vẫn sẽ bị khởi tố.
Chưa quan hệ nhưng thực hiện các hành vi tiếp xúc về thể chất với người 16 tuổi thì bị xử lý thế nào?
Theo Điều 146 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung bởi điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội dâm ô người dưới 16 tuổi như sau:
- Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
+ Phạm tội có tổ chức;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Đối với 02 người trở lên;
+ Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
+ Tái phạm nguy hiểm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
+ Làm nạn nhân tự sát.
- Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trong đó, các hành vi sau gọi là dâm ô được hướng dẫn bởi Khoản 3 Điều 3 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP như sau:
Dâm ô quy định tại khoản 1 Điều 146 của Bộ luật Hình sự là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục, gồm một trong các hành vi sau đây:
+ Dùng bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi;
+ Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: tay, chân, miệng, lưỡi...) tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;
+ Dùng dụng cụ tình dục tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;
+ Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác;
+ Các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (ví dụ: hôn vào miệng, cổ, tai, gáy... của người dưới 16 tuổi).
Theo đó, người từ đủ 18 tuổi trở lên mà có những hành vi tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục thì sẽ bị truy tố về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.
Như vậy, dù không trực tiếp quan hệ với người dưới 16 tuổi nhưng có các hành động mang tính chất tình dục thì vẫn sẽ bị xử lý hình sự.