Lạm dụng xe cứu thương để vận chuyển khách né giờ cao điểm có bị xử lý không?

Chủ đề   RSS   
  • #610531 12/04/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 451 lần


    Lạm dụng xe cứu thương để vận chuyển khách né giờ cao điểm có bị xử lý không?

    Vào giờ cao điểm trên các tuyến đường tại TP.HCM, khi nghe còi tín hiệu của xe cứu thương đa số người dân đều nhường đường. Không ít người thắc mắc xe cứu thương có đang chở người nguy khẩn hay đi làm nhiệm vụ? Xe cứu thương có đang thực hiện đúng chức năng được cấp phép hay không?

    (1) Xe cứu thương vận chuyển khách né giờ cao điểm có bị phạt không?

    Theo quy định tại Điều 22 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự:

    - Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;

    - Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;

    - Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;

    - Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;

    - Đoàn xe tang.

    Xe được ưu tiên nêu trên (trừ xe tang) khi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

    - Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.

    Theo đó, xe cứu thương là một trong các loại xe được quyền ưu tiên, không bị hạn chế tốc độ, được đi vào đường ngược chiều, được đi kể cả khi có đèn đỏ.

    Vì những quyền ưu tiên này, không ít người có thắc mắc liệu xe cứu thương có bị lạm dụng để chở người không phải bệnh nhân được đi ưu tiên khi giờ cao điểm không?

    Trên thực tế, đã có không ít vụ việc xe cứu thương dịch vụ không được cấp phép nhận vận chuyển hành khách không phải là bệnh nhân đã bị CSGT dừng xe, kiểm tra và xử phạt.

    Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng, việc kiểm tra và thực hiện triệt để từng xe là rất khó, vì tâm lý là xe cứu thương, cấp cứu người nguy kịch, nên không ít CSGT ngại dừng loại xe này để kiểm tra, xử lý.

    Theo khoản 1 và 2 Điều 3 Thông tư 27/2017/TT-BYT về quy định tiêu chuẩn và sử dụng xe ô tô cứu thương có quy định như sau:

    - Xe ô tô cứu thương chỉ được sử dụng cho các mục đích sau đây:

    + Chở người bệnh cấp cứu hoặc đi đón người bệnh cấp cứu;

    + Chở thầy thuốc, nhân viên y tế, thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ cấp cứu thảm họa, cấp cứu tai nạn giao thông và các nhu cầu cấp thiết khác của hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh.

    - Không được sử dụng xe ô tô cứu thương ngoài mục đích quy định tại khoản 1 Điều 3  Thông tư Thông tư 27/2017/TT-BYT

    Do đó, tất cả hành vi vận chuyển người trong ô tô cứu thương mà không thuộc quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 27/2017/TT-BYT thì đều là vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý theo pháp luật.

    (2) Sử dụng xe cứu thương sai mục đích bị phạt thế nào?

    Theo các quy định trên, xe cứu thương chỉ được ưu tiên khi đang thực hiện nhiệm vụ chở bệnh nhân cấp cứu hoặc đi đón bệnh nhân cấp cứu; khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

    Đối với trường hợp sử dụng xe cứu thương chở người đi làm các công việc khác sẽ không được hưởng quyền ưu tiên vì sử dụng sai mục đích.

    Hiện nay, pháp luật chưa có quy định xử phạt cụ thể đối với việc xe cứu thương sử dụng sai mục đích.

    Nếu trong lúc xe cứu thương phát tín hiệu ưu tiên nhưng sử dụng sai mục đích có những hành vi vi phạm luật giao thông sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật, cụ thể:

    Theo điểm h khoản 3 Điều 5 Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, xe không được quyền ưu tiên mà sử dụng tín hiệu còi, cờ, đèn của xe ưu tiên thì sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng.

    Ngoài ra, nếu trong quá trình sử dụng sai mục đích, xe cứu thương này còn bị phát hiện mắc thêm các lỗi vi phạm quy định của Luật giao thông đường bộ như chạy quá tốc độ, đi sai làm đường, vượt đèn đỏ… thì người điều khiển, người ngồi trên xe sẽ tiếp tục bị xử phạt theo quy định tại Điều 5 Nghị định 171/2013/NĐ-CP

    Trong trường hợp xe cứu thương là xe của Nhà nước thì khi sử dụng sai mục đích theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 192/2013/NĐ-CP quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dự trữ quốc gia, kho bạc nhà nước có thể sẽ bị xử phạt hành chính từ 1 triệu đến 10 triệu đồng. 

    Xe cứu thương của đơn vị tư nhân nếu sử dụng sai mục đích có thể bị xử phạt theo quy định của đơn vị quản lý.

     
    245 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận