Hiện nay với nhu cầu làm đẹp đang tăng cao thì nhiều cơ sở thẩm mỹ “chui” ra đời. Đi cùng với đó là những hệ lụy về sức khỏe khi làm đẹp tại các cơ sở này. Vậy nếu bị biến chứng thì có được kiện để yêu cầu bồi thường hay không? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn đọc giải đáp thắc mắc trên.
Cơ sở thẩm mỹ chui là gì?
Các spa gội đầu, làm tóc, làm móng nhưng lại để bảng hiệu có thêm các dịch vụ như nâng ngực, tiêm filler, nâng mũi, phun xăm mắt, mày,... với đội ngũ nhân viên chỉ được đào tạo qua vài buổi học, thậm chí là vài tiếng đồng hồ đã cho thực hành. Dĩ nhiên, chất lượng của các dịch vụ này như thế nào thì không ai đảm bảo được. Tuy vậy, vẫn có nhiều người sử dụng các dịch vụ này thường xuyên và đã không ít trường hợp gặp biến chứng hậu làm đẹp.
Ngoài những tai biến có thể nhìn thấy được, nguy hiểm hơn là các bệnh lây truyền qua đường máu như HIV, viêm gan B ở các cơ sở spa, thẩm mỹ viện này. Đây là tình trạng cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe con người bởi các cơ sở này, kiến thức, trình độ, khả năng trang thiết bị để kiểm soát lây bệnh hoàn toàn không có. Bản thân họ không có kiến thức, thậm chí không muốn học hỏi, những xét nghiệm loại trừ, các biện pháp dự phòng đều không có vì tốn kém, mất thời gian, khó khăn… Đó sẽ là hệ lụy lâu dài.
Như vậy, cơ sở thẩm mỹ chui là cơ sở có thực hiện các hoạt động thẩm mỹ nhưng không được cấp Giấy phép hoạt động, cũng như có đội ngũ nhân viên không được đào tạo bài bản, không có chuyên môn trực tiếp đứng ra làm cho khách hàng.
Có được kiện cơ sở thẩm mỹ chui để yêu cầu bồi thường không?
Khách hàng nếu sau khi làm đẹp bị biến chứng thì có thể kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
1) Về sức khỏe
Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại.
Khoản chi phí này được hướng dẫn theo Khoản 1 Điều 7 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP bao gồm:
- Chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh cho người bị thiệt hại; thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đến cơ sở khám chữa bệnh và trở về nơi ở;
- Chi phí bồi dưỡng sức khỏe cho người bị thiệt hại được xác định là 01 ngày lương tối thiểu vùng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho 01 ngày khám bệnh, chữa bệnh theo số ngày trong hồ sơ bệnh án;
- Chi phí phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút là các chi phí cho việc phục hồi, hỗ trợ, thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại.
2) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại.
Nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại.
Thu nhập thực tế the o Khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP b ao gồm:
- Trường hợp người bị thiệt hại có thu nhập ổn định từ tiền lương, tiền công thì được xác định theo mức tiền lương, tiền công của người bị thiệt hại trong khoảng thời gian tiền lương, tiền công bị mất hoặc bị giảm sút;
- Trường hợp người bị thiệt hại có thu nhập không ổn định từ tiền lương, tiền công được xác định căn cứ vào mức tiền lương, tiền công trung bình của 03 tháng liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra.
Trường hợp không xác định được 03 tháng lương liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra thì căn cứ vào thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương trong khoảng thời gian thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
Nếu không xác định được thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương thì thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút được bồi thường là 01 ngày lương tối thiểu vùng tại nơi người bị thiệt hại cư trú cho 01 ngày bị thiệt hại.
- Ngày lương tối thiểu vùng được xác định là 01 tháng lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định chia cho 26 ngày.
3) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.
Nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
Chi phí hợp lý theo Khoản 3 Điều 7 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP bao gồm:
- Chi phí hợp lý cho người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị bao gồm: tiền tàu, xe đi lại, tiền thuê nhà trọ theo giá trung bình ở địa phương nơi người bị thiệt hại điều trị (nếu có);
- Thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị;
+ Trường hợp người bị thiệt hại mất khả năng lao động và phải có người thường xuyên chăm sóc thì chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại được xác định là 01 ngày lương tối thiểu vùng tại nơi người bị thiệt hại cư trú cho 01 ngày chăm sóc người bị thiệt hại.
4) Thiệt hại khác do luật quy định.
5) Về tinh thần
Ngoài các thiệt hại trên, khách hàng cũng có thể kiện yêu cầu bồi thường về tổn thất tinh thần. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Như vậy, khách hàng nếu làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ chui bị biến chứng thì có thể kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Kiện cơ sở thẩm mỹ chui ở đâu?
Theo Khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện là giải quyết các tranh chấp về dân sự.
Đồng thời, theo điểm a Khoản 1 Điều 39 của Bộ luật, Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc là Tòa án có thẩm quyền giải quyết cơ sở thẩm mỹ không có bằng cấp.
Vì vậy, khách hàng sẽ kiện các cơ sở thẩm mỹ này tại Tòa án cấp Huyện nơi người đã thực hiện làm đẹp cho mình đang làm việc.
Mẫu đơn khởi kiện mới nhất 2024.
Theo Khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, đơn khởi kiện phải có các nội dung sau:
- Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
- Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
- Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
- Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
- Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);
- Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.
Mẫu đơn khởi kiện được quy định tại Mẫu số 23-DS Danh mục 93 biểu mẫu trong tố tụng dân sự ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/03/18/mau-so-23.docx
Trên đây là giải đáp cho câu hỏi: “Làm đẹp ở cơ sở thẩm mỹ chui bị biến chứng có được kiện không?”. Người đọc có thể tham khảo để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.