Về vấn đề chị nêu, tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư 03/2016/TT-NHNN định nghĩa:
"Khoản vay nước ngoài là cụm từ dùng chung để chỉ Khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh (sau đây gọi là Khoản vay tự vay tự trả) và Khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh dưới mọi hình thức vay nước ngoài thông qua hợp đồng vay, hợp đồng nhập khẩu hàng hóa trả chậm, hợp đồng ủy thác cho vay, hợp đồng cho thuê tài chính hoặc phát hành công cụ nợ trên thị trường quốc tế của Bên đi vay."
Như vậy, nếu công ty Việt Nam vay tiền nước ngoài mà không được Chính phủ bảo lãnh thì đây được xác định là khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh. Mình đáp ứng điều kiện theo quy định tại Thông tư 12/2014/TT-NHNN thì có thể vay. Theo quy định tại Điều 9 Thông tư 12/2014 thì chi phí vay nước ngoài do Bên đi vay, Bên cho vay và các bên liên quan thỏa thuận.
Chi phí vay theo quy định tại Khoản 5 Điều 2 được hiểu là tổng mức chi phí quy đổi theo tỷ lệ phần trăm hàng năm của kim ngạch khoản vay, bao gồm lãi suất vay nước ngoài và các chi phí khác có liên quan đến khoản vay nước ngoài mà Bên đi vay chắc chắn phải trả cho Bên cho vay, các bên bảo đảm khoản vay, bên bảo hiểm khoản vay, các đại lý và các bên liên quan khác.
>>> Như vậy, theo quy định trên thì các bên có quyền thỏa thuận lãi suất khoản vay này. Chỉ trong trường hợp cần thiết, Thống đốc NHNN mới quyết định và công bố mức trần cho chi phí vay này, nhưng hiện tại không có quy định về mức trần này mà mức lãi suất do hai bên thỏa thuận.
Nếu công ty mình trả lãi vay cho công ty nước ngoài thì họ phải chịu thuế nhà thầu theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Thông tư 103/2014/TT-BTC. Và trường hợp công ty nước ngoài không đáp ứng điều kiện được quy định tại Điều 8 Thông tư 103 thì công ty bên Việt Nam sẽ nộp thuế thay cho công ty đó.