Hôm nay mình xin mạn phép giới thiệu đến các bạn phương pháp ôn thi cho dân luật mà mình đã đúc kết được sau những năm tháng “lăn lộn” tại trường luật.
Trước hết, mình muốn nhắn gửi đến các bạn điều này: Để tránh tình trạng học dồn dập, đầu xù tóc rối vật lộn trước kỳ thi thì có một phương pháp giúp bạn củng cố kiến thức dần dần ngay từ khi còn trong kỳ học. Đó là, chỉ cần mỗi buổi sau khi đi học về bạn LẬT LẠI BÀI VỞ NGÀY HÔM ĐÓ, rồi lướt xem lại một – hai lần. Việc làm này sẽ giúp bạn cập nhật lại kiến thức buổi học một cách nhanh chóng và giúp bạn ghi nhớ sâu sắc hơn. Do vậy, khi đến gần kỳ thi, việc bạn ôn luyện và hệ thống lại kiến thức sẽ mang lại hiệu quả hơn rất rất nhiều. Đặc biệt đối với những môn học cần sự liên kết giữa các bài học trước sau thì việc làm này là vô cùng cần thiết. Ví dụ trong trường hợp bạn học song hành môn luật nội dung và luật tố tụng cùng kỳ, như học cùng lúc cả Luật hình sự cùng Luật tố tụng hình sự thì việc xem lại bài vở môn luật hình sự sẽ giúp bạn có kiến thức nền cơ bản để có thể dễ tiếp thu, nắm bắt kiến thức môn tố tụng hình sự hơn, tránh trường hợp rối kiến thức hay nhầm lẫn kiến thức giữa 02 môn. Mặt khác, đối với việc làm này bạn cũng không cần tốn quá nhiều thời gian mỗi ngày. Hãy nhìn đến cái lợi lớn lao trước mắt để tém tém lại cái tánh “lười biếng” của bản thân một chút.
Rồi,… khi đến thời gian ôn luyện, đối với mỗi môn học, bạn cần lưu ý một số việc làm sau:
XEM CẤU TRÚC ĐỀ THI
Bạn cần xem lại cấu trúc đề thi của từng môn học (lý thuyết/nhận định/trắc nghiệm/vấn đáp… hay có sự kết hợp giữa nhiều hình thức) và yêu cầu kèm theo (được sử dụng văn bản pháp luật/tài liệu hay không?) để đưa ra phương hướng ôn thi phù hợp và chuẩn bị công tác chuẩn bị tài liệu.
XÂY DỰNG ĐỀ CƯƠNG CỦA MÔN HỌC
Đây là việc làm tối cần thiết bạn cần làm trước khi lao đầu vào ngấu nghiến giáo trình hay tiến hành giải đề thử. Cụ thể, xây dựng đề cương môn học là việc bạn hệ thống lại các phần (mục, chương) chính của môn học này: Môn học gồm bao nhiêu chương (phần)? Các chương (phần) đó là gì?
Việc bạn hệ thống môn học như thế này sẽ giúp bạn nắm bắt được tổng thể nội dung môn học và nhận thức đúng đắn về kiến thức môn học mang lại: Môn học này nói về lĩnh vực gì? Phạm vi như thế nào?
ĐỌC LUẬT VÀ ĐỌC TÀI LIỆU
Trên cơ sở đề cương bạn xây dựng được, bạn sẽ tiến hành ôn tập lại theo từng chương (phần).
Bạn cần đọc lại vở ghi (nếu trường hợp bạn có ghi chép lại) để xem bữa trước giáo viên hướng dẫn bạn cần tham khảo những tài liệu gì cho chương học này. Tiếp đó, bạn xem lại nội dung vở ghi, giáo trình của chương đó, từng phần nhỏ trong chương và luôn nhớ phải kết hợp việc ĐỌC LUẬT. Chúng ta là Dân luật, bởi vậy phải lấy Luật làm gốc (hẳn ai cũng hiểu rồi nên không bàn thêm ).
Ngoài ra, đối với những môn học có tài liệu thảo luận thì bạn cần đặc biệt chú ý đến những loại tài liệu này. Bởi, thường đây là những môn học có nhiều bài tập, tình huống thực tế nên ngoài việc xem lại lý thuyết bạn còn cần xem lại kiến thức ở các buổi thảo luận và bài tập câu hỏi thảo luận.
Thường thì môn học nào cũng có phần TRỌNG TÂM chính, bạn cần lưu ý vào những phần đó để đào sâu hơn kiến thức, nắm bắt được mấu chốt vấn đề.
SỬ DỤNG HIGHLIGHT VÀ STICKY FLAGS
Khi đọc luật, bạn nên đánh highlight vào những “từ ngữ” quan trọng hay những “tiêu đề điều luật” cần chú ý. Việc đánh dấu như thế một lần nữa giúp bạn ghi nhớ kiến thức tốt hơn và đặc biệt điều này sẽ đem lại tác dụng lớn trong lúc bạn làm bài thi. Với những chữ đã được highlight, khi bạn lật đến, bạn sẽ nhanh chóng tìm kiếm và nắm bắt đúng trọng tâm nội dung của quy định đó mà không cần tốn thời gian đọc, dò lại nguyên cả điều khoản dài ngoằng.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên dùng sticky flags để đánh dấu các phần trọng tâm của quyền luật. Khi tìm kiếm, bạn chỉ cần dò nội dung trên sticky flags rồi sau đó dùng sticky flags lật đến nội dung cần tìm kiếm một cách nhanh chóng mà không phải hoa mắt dò lại mục lục.
Nếu như bạn dùng highlight và sticky flags như mình đã đề cập ở trên thì thực sự bạn sẽ tiết kiệm được khá nhiều thời gian dành cho việc xoay xở tìm kiếm điều khoản đó.
LÀM ĐỀ CŨ CỦA CÁC KHÓA TRƯỚC
Sau khi đã ôn xong kiến thức, bạn chuyển qua giai đoạn thực hành để củng cố lại kiến thức và tập luyện kỹ năng làm bài thi. Bạn có thể lên mạng tìm kiếm (hoặc hỏi, xin (nếu có)) đề thi của các khóa trước hoặc các đề thi tham khảo và tiến hành làm thử. Việc làm đề sẽ giúp bạn làm quen hơn với việc mở luật, tìm kiếm luật và hệ thống lại kiến thức trước đó bạn đã ôn tập. Và nếu may mắn mỉm cười với bạn, có khả năng bạn sẽ gặp lại đúng câu hỏi/bài tập đó trong đề thi chính thức thì sao… Nếu thế, bạn sẽ không còn phải lấn cấn gì nữa mà thẳng tiến một mạch làm bài thôi.
Trên đây là phương pháp ôn tập mình muốn chia sẻ đến các bạn. Nếu ai có phương pháp ôn thi hay ho nào khác xin được chỉ giáo để mọi người nâng cao thành tích nhen…!
Chúc các bạn thành công!