Sau phần luận tội của đại diện Kiểm sát viên và bào chữa của Luật sư là phần đối đáp, tranh luận tại phiên tòa. Kỹ năng đối đáp tại phiên tòa là một kỹ năng rất quan trọng khi tham gia phiên tòa xét xử các vụ án hình sự, phản ánh sự nhạy bén, khả năng phán đoán, dự báo những vấn đề phát sinh trực tiếp tại phần tranh luận, thể hiện bản lĩnh và khẩu khí của Luật sư. Có thể nói, phần đối đáp là phần bộc lộ hết những khả năng tiềm ẩn của một Luật sư, có ý nghĩa lớn trong việc xử lý các tình huống phát sinh, tác động tới tâm lý, nhận thức, trạng thái tình cảm của Hội đồng xét xử dẫn đến những quyết định quan trọng cho bị cáo trong quá trình nghị án, tuyên án. Thực tiễn tranh tụng trong các vụ án hình sự cho thấy Luật sư cần phải bảo đảm những yêu cầu sau:
- Trước hết, yêu cầu cơ bản của phần đối đáp là Luật sư cần đề cập trực diện vào những vấn đề cần tranh luận, làm sáng tỏ các vấn đề có liên quan trực tiếp đến vụ án chứ không trình bày chung chung làm mất thời gian của phiên tòa.
- Nội dung phần đối đáp phải mang tính mới, bao gồm các vấn đề chưa được đề cập trong phần bào chữa. Tuy nhiên, do Kiểm sát viên có đề cập trong phần tranh luận trở lại nên Luật sư buộc lòng phải trình bày, lý giải để làm rõ vấn đề. Theo quy định tại Điều 322
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Kiểm sát viên phải đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận để đối đáp từng ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa. Người tham gia tranh luận có quyền đáp lại ý kiến của người khác. Tuy nhiên, Luật sư chỉ nên tìm kiếm, lựa chọn vấn đề mang tính quyết định để tranh luận, đối đáp.
- Phân tích, phát hiện những mâu thuẫn trong phần luận tội và tranh luận của Kiểm sát viên, chỉ ra những điểm thiếu căn cứ, thiếu tính thuyết phục, từ đó, nhấn mạnh tính hợp lý, có căn cứ trong lập luận của mình;
- Nội dung đối đáp phải ngắn gọn, ngôn ngữ chuẩn mực, thể hiện thái độ ứng xử có văn hóa, không được có những thái độ không chừng mực dẫn đến xúc phạm những người tiến hành và những người tham gia tố tụng khác. Mặc dù pháp luật không hạn chế thời gian đối đáp, nhưng Luật sư cần lưu ý đến bối cảnh của việc đối đáp, thái độ lắng nghe của Hội đồng xét xử để biết mình nên dừng ở đâu, nói đến mức độ nào là hợp lý.
-
Nội dung của phần đối đáp cần bao gồm 3 phần chính:
+ Phân tích, đánh giá những điểm mới, cần ghi nhận trong phần tranh luận trở lại của Kiểm sát viên, so sánh với phần đã phát biểu trong bài luận tội;
+ Nhắc lại một cách tổng quát những luận điểm chính mà Luật sư đã phát biểu trong phần bào chữa, nhấn mạnh những chứng cứ quan trọng cần lưu ý trong đối đáp;
+ Từ đó, phân tích làm rõ thêm các tình tiết, chứng cứ liên quan đến việc xác định mức độ vi phạm, phạm vi giới hạn áp dụng Bộ luật hình sự, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và đề xuất quan điểm giải quyết, xử lý đối với bị cáo.
Trích: Sổ tay Luật sư Tập 2 - Tập 2 - Kỹ năng hành nghề luật sư trong tố tụng hình sự, hành chính, dân sự
Cập nhật bởi TRUTH ngày 23/06/2018 08:31:38 SA