Cập nhật tình hình cho mọi người là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã đề nghị lùi thời điểm thông qua Luật về hội sang kỳ họp sau (tức kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV) rồi.
Nguyên văn bài báo mới đọc sáng nay như sau:
Bộ trưởng Nội vụ xin lùi thông qua Luật về hội
Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị Quốc hội cho phép lùi thời điểm thông qua Luật về hội sang kỳ họp sau.
Cần thêm thời gian nghiên cứu để tạo sự đồng thuận
Chiều nay (25/10), sau khi nghe các ý kiến ĐBQH thảo luận về các quy định trong Dự thảo Luật về hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã giải trình thêm trước Quốc hội về Dự thảo luật.
Theo Bộ trưởng Tân, phần lớn ý kiến đại biểu đồng tình cần phải có Luật về hội để tạo môi trường hoạt động tốt hơn, nhất là thực hiện quyền cơ bản của công dân theo Hiến pháp. “Nhìn chung ý kiến của các đại biểu là xác đáng và đúng thực tiễn, phù hợp với xu hướng chung của đất nước”, ông Tân nói và khẳng định, cơ quan soạn thảo ghi nhận, tiếp thu và sẽ tiếp tục nghiên cứu tổng kết những vấn đề mà đại biểu còn băn khoăn.
Đáng chú ý, theo ông Tân, vì còn nhiều ý kiến chưa có sự đồng tình cao, do việc chuẩn bị chưa được chu đáo, các cơ sở dữ liệu để đại biểu tham khảo chưa đầy đủ nên cơ quan soạn thảo cho rằng cần có thời gian tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh dự thảo, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội đối với các đối tượng được điều chỉnh.
“Đề nghị Chủ toạ và Quốc hội xem xét để Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu cho thật chu đáo đầy đủ, tạo sự đồng thuận cao thì mới thông qua. Chúng tôi sẽ cùng Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội hoàn chỉnh và trình dự thảo trong kỳ họp sau", ông Tân nói.
Được biết, theo dự kiến chương trình kỳ họp, chiều 18/11, Quốc hội đồng sẽ tiến hành biểu quyết dự thảo luật này.
Đạo luật được “nâng lên đặt xuống” nhiều nhất
Trước đó, thảo luận tại Hội trường, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nhấn mạnh, trong lịch sử lập pháp, đây là đạo luật được nâng lên đặt xuống nhiều nhất. Quyền lập hội đã được nêu lên như nguyện vọng của dân tộc chúng ta, 70 năm trước đã được đưa vào Hiến pháp và có mặt trong tất cả Hiến pháp sau đó. 60 năm trước, Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa quyền lập hội thành một văn bản pháp luật.
Năm 2006, lần đầu tiên dự thảo được đưa ra Quốc hội và rồi lại xếp lại. Lần này, dự thảo Luật được đưa ra trên tinh thần Hiến pháp 2013, sau khi đã soạn thảo được một số bộ luật liên quan đến quyền con người.
“Đây là nỗ lực lớn nhưng cho thấy đây là vấn đề không đơn giản. Ngay lần này, cuộc trao đổi cũng trở nên gay gắt hơn, từ phiên bản dự thảo tháng 9 đến tháng 10 đã có dung sai, khác biệt rất lớn, khác hoàn toàn những điều thảo luận trước kia”, đại biểu Quốc nói và đánh giá thêm: “Luật này sớm ra thì tốt nhưng chắc kỳ họp này chưa ra được đâu”.
Kết luận lại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội cũng như của các cơ quan hữu quan gửi đến Quốc hội. Đồng thời sẽ có văn bản báo cáo trước Quốc hội trong phiên họp tới đây.