Kính lão đắc thọ nghĩa là gì? Có bắt buộc phải nhường ghế cho người lớn tuổi khi đi xe bus không?

Chủ đề   RSS   
  • #609946 27/03/2024

    Kính lão đắc thọ nghĩa là gì? Có bắt buộc phải nhường ghế cho người lớn tuổi khi đi xe bus không?

    Tôi có câu hỏi như sau: Kính lão đắc thọ nghĩa là gì? Có bắt buộc phải nhường ghế cho người lớn tuổi khi đi xe bus không? (Câu hỏi của chị Thương - TP.HCM)

    Kính lão đắc thọ nghĩa là gì?

    Kính lão đắc thọ là một câu tục ngữ trong tiếng Việt mang ý nghĩa khuyên nhủ mọi người cần phải biết kính trọng người già, vì họ là những người có nhiều kinh nghiệm sống, đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc đời. Khi ta kính trọng người già, họ sẽ cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc và sống lâu hơn. Đồng thời, khi ta biết kính trọng người già, ta cũng sẽ nhận được sự yêu mến, kính trọng của mọi người khi về già.

    Ngoài ra, câu tục ngữ kính lão đắc thọ còn có ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn, kính trọng người già đối với những đóng góp của họ trong việc xây dựng và phát triển đất nước, gia đình.

    *Lưu ý: Nội dung Kính lão đắc thọ nghĩa là gì? chỉ mang tính chất tham khảo!

    Có bắt buộc phải nhường ghế cho người lớn tuổi khi đi xe bus không?

    Căn cứ theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định như sau:

    - Doanh nghiệp, hợp tác xã có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô, trong đó có loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định thì được tham gia đấu thầu hoặc đặt hàng khai thác tuyến xe buýt trong danh mục mạng lưới tuyến đã công bố.

    - Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt

    + Phải có chỗ ưu tiên cho người khuyết tật, người cao tuổi và phụ nữ mang thai.

    + Phải có phù hiệu “XE BUÝT” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe.

    + Phải có sức chứa từ 17 chỗ trở lên. Vị trí, số chỗ ngồi, chỗ đứng cho hành khách và các quy định kỹ thuật khác đối với xe buýt theo quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Giao thông vận tải ban hành. Đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt trên các tuyến có hành trình bắt buộc phải qua cầu có trọng tải cho phép tham gia giao thông từ 05 tấn trở xuống hoặc trên 50% lộ trình tuyến là đường từ cấp IV trở xuống (hoặc đường bộ đô thị có mặt cắt ngang từ 07 mét trở xuống) được sử dụng xe ô tô có sức chứa từ 12 đến dưới 17 chỗ.

    Như vậy, pháp luật chỉ quy định yêu cầu xe bus phải có chỗ ưu tiên cho người cao tuổi và không quy định bắt buộc phải nhường ghế cho người lớn tuổi khi đi xe bus. Chính vì vậy, không bắt buộc phải nhường ghế cho người lớn tuổi khi đi xe bus.

    Tuy nhiên, về mặt đạo đức, nhường ghế cho người lớn tuổi là một hành động đẹp, thể hiện lòng hiếu thảo, sự tôn trọng và tinh thần tương thân tương ái.

    Người cao tuổi là người nào, có quyền và nghĩa vụ như thế nào?

    Theo Điều 2 Luật Người cao tuổi 2009 có giải thích, người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên có quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 3 Luật Người cao tuổi 2009, cụ thể như sau:

    [1] Về quyền

    - Được bảo đảm các nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khoẻ.

    - Quyết định sống chung với con, cháu hoặc sống riêng theo ý muốn.

    - Được ưu tiên khi sử dụng các dịch vụ theo quy định của Luật Người cao tuổi 2009 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

    - Được tạo điều kiện tham gia hoạt động văn hoá, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch và nghỉ ngơi.

    - Được tạo điều kiện làm việc phù hợp với sức khoẻ, nghề nghiệp và các điều kiện khác để phát huy vai trò người cao tuổi.

    - Được miễn các khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội, trừ trường hợp tự nguyện đóng góp.

    - Được ưu tiên nhận tiền, hiện vật cứu trợ, chăm sóc sức khỏe và chỗ ở nhằm khắc phục khó khăn ban đầu khi gặp khó khăn do hậu quả thiên tai hoặc rủi ro bất khả kháng khác.

    - Được tham gia Hội người cao tuổi Việt Nam theo quy định của Điều lệ Hội.

    - Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

    [2] Về nghĩa vụ:

    - Nêu gương sáng về phẩm chất đạo đức, lối sống mẫu mực; giáo dục thế hệ trẻ giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc; gương mẫu chấp hành và vận động gia đình, cộng đồng chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

    - Truyền đạt kinh nghiệm quý cho thế hệ sau.

    - Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

    Thông qua nội dung trên, kính lão đắc thọ là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tuy không bắt buộc về mặt luật pháp, nhưng việc nhường ghế cho người lớn tuổi khi đi xe bus là một hành động nên làm, thể hiện được truyền thống tốt đẹp, văn hóa ứng xử của mỗi cá nhân.

     
    1614 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận