Theo quy định hiện nay thì khi doanh nghiệp muốn kinh doanh hàng hóa, dịch vụ viễn thông có cần giấy phép viễn thông hay không? Điều kiện cũng như nguyên tắc cấp giấy phép là gì?
1. Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ viễn thông có cần giấy phép hay không?
Theo khoản 1 Điều 34 Luật Viễn thông 2009 có quy định về giấy phép viễn thông trong đó giấy phép viễn thông bao gồm giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông và giấy phép nghiệp vụ viễn thông. Và giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông bao gồm:
- Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng, có thời hạn không quá 15 năm được cấp cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng;
- Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông, có thời hạn không quá 10 năm được cấp cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không có hạ tầng mạng.
Theo quy định thì khi kinh doanh dịch vụ viễn thông thì cần có giấy phép viễn thông.
Tuy nhiên, Điều 40 Luật này cũng có quy định về một số trường hợp được miễn giấy phép viễn thông như sau:
Tổ chức, cá nhân hoạt động viễn thông được miễn giấy phép viễn thông trong các trường hợp sau đây:
- Kinh doanh hàng hóa viễn thông;
- Cung cấp dịch vụ viễn thông dưới hình thức đại lý dịch vụ viễn thông;
- Thuê đường truyền dẫn để cung cấp dịch vụ ứng dụng viễn thông;
- Mạng viễn thông dùng riêng, trừ các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 5 Điều 24 của Luật này.
Như vậy, từ các quy định thì có thể thấy nêu kinh doanh hàng hóa viễn thông thì sẽ không cần giấy phép viễn thông. Còn đối với trường hợp kinh doanh dịch vụ viễn thông, nếu như không thuộc các trường hợp được miễn giấy phép như đã đề cập ở trên thì phải có giấy phép viễn thông theo quy định.
2. Những nguyên tắc khi cấp giấy phép viễn thông là gì?
Theo quy định của Luật Viễn thông 2009 tại Điều 35 có nêu ra 05 nguyên tắc khi cấp giấy phép viễn thông như sau:
Thứ nhất, việc cấp giấy phép phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia.
Thứ hai, ưu tiên cấp giấy phép viễn thông cho dự án có khả năng triển khai nhanh trên thực tế, có cam kết cung cấp dịch vụ lâu dài cho đông đảo người sử dụng dịch vụ viễn thông; dự án cung cấp dịch vụ viễn thông đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Thứ ba, trong trường hợp việc cấp giấy phép viễn thông có liên quan đến sử dụng tài nguyên viễn thông thì chỉ được xét cấp nếu việc phân bổ tài nguyên viễn thông là khả thi, theo đúng quy hoạch được phê duyệt và bảo đảm sử dụng hiệu quả tài nguyên viễn thông.
Thứ tư, tổ chức được cấp giấy phép viễn thông chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của hồ sơ đề nghị cấp giấy phép viễn thông, về việc triển khai thực hiện các quy định tại giấy phép và cam kết với cơ quan cấp phép.
Và thứ năm, tổ chức được cấp giấy phép viễn thông phải nộp phí quyền hoạt động viễn thông và lệ phí cấp giấy phép viễn thông theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
3. Điều kiện cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông hiện nay là gì?
(1) Doanh nghiệp được cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông;
+ Có đủ khả năng tài chính, tổ chức bộ máy và nhân lực phù hợp với quy mô của dự án;
+ Có phương án kỹ thuật, phương án kinh doanh khả thi phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia, các quy định về tài nguyên viễn thông, kết nối, giá cước, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông;
+ Có biện pháp bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin.
Doanh nghiệp được cấp Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Các điều kiện quy định như đối với doanh nghiệp được Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông (1);
+ Vốn pháp định và mức cam kết đầu tư theo quy định của Chính phủ.
(Căn cứ pháp lý: Điều 36 Luật này)