Do áp lực kinh tế của thời đại, thời gian làm việc của người Việt Nam hiện nay đã chiếm phần lớn quỹ thời gian sống, khiến nhiều người không còn đủ thời gian tìm bạn đời cho mình
(1) Quy định về thời gian làm việc hiện nay
Theo quy định tại Điều 105 Bộ Luật Lao động 2019, thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần. Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.
Có thể thấy, Nhà nước có chủ trương khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động, tức là 5 ngày làm việc/tuần với giờ làm việc không quá 8 tiếng/ngày.
Tuy nhiên, trên thực tế nhiều công ty, doanh nghiệp cho nhân viên mình làm việc 44 tiếng/tuần (bao gồm nửa buổi sáng thứ 7), hoặc có doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật là 48 tiếng/tuần (làm nguyên ngày thứ 7) để phù hợp với kế hoạch và hoạt động công ty, doanh nghiệp.
Việc công ty, doanh nghiệp quy định thời gian làm việc như vậy là không sai với quy định của pháp luật, đôi khi còn đáp ứng được nhu cầu kiếm thêm thu nhập của nhân viên trong bối cảnh vật giá leo thang. Thậm chí, có người lao động còn làm việc 10-12 tiếng/ngày, bỏ qua hết thời gian chăm sóc bản thân và gia đình mới đủ tiền để trang trải cuộc sống cho một gia đình 4 người.
(2) Kiến nghị giảm thời gian làm việc để nam nữ có thời gian tìm bạn đời
Hiện nay, các nhà làm luật đang xây dựng Dự thảo Luật Dân số, dự kiến sẽ trình lên Quốc Hội trong tháng 12 năm 2024.
Theo đó, vấn đề được quan tâm nhiều nhất là tỷ lệ sinh của nước ta. Hiện nay, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1,96, đây là con số thấp nhất trong lịch sử và được dự báo tiếp tục giảm.
Về nguyên nhân, các chuyên gia đánh giá rằng, việc tỷ lệ sinh giảm phần lớn đến từ việc độ tuổi kết hôn đang có xu hướng trễ hóa, nhiều người trẻ lựa chọn cuộc sống độc thân, không kết hôn. Như tại TPHCM, độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 30,4 tuổi, đây là mức kỷ lục tại Việt Nam, góp phần tạo nên mức sinh thấp và đẩy nhanh già hóa dân số.
Lý do cho việc kết hôn muộn hoặc không muốn kết hôn của giới trẻ hiện nay đến từ nhiều phía, bao gồm các yếu tố như kinh tế, xã hội, văn hóa và cả những ước mơ, hoài bão của mỗi người. Ngoài ra, với trước mắt là nhiều cuộc tình đổ vỡ, chóng vánh, không hạnh phúc cũng làm cho giới trẻ không còn mặn mà với chuyện kết hôn, lập gia đình.
Trước tình hình này, nếu không có sự thay đổi đột phá về chính sách kinh tế, xã hội thì tỷ lệ sinh của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm và duy trì lâu dài. Các chính sách đưa ra có thể là tuyên truyền, khuyến sinh, hỗ trợ kinh tế cho gia đình có con nhỏ, tạo điều kiện cho cha mẹ có thời gian chăm sóc cho con,....
Ví như GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM đã đưa ra nhiều kiến nghị để khuyến sinh, trong đó GS Nhân có có kiến nghị giảm thời gian làm việc của người lao động, thời gian làm việc phải đủ ngắn (8 giờ lao động/ngày, 40 giờ/tuần) để họ có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái, gia đình và sở thích riêng tư.
Bên cạnh đó, GS Nhân nhận định rằng để mỗi gia đình có thể sinh được hai con thì thu nhập của hai người đi làm phải nuôi được đàng hoàng 4 người (gồm hai người lớn, hai trẻ con). Do đó, ông kiến nghị cần chuyển từ quy định lương tối thiểu sang quy định lương đủ sống tối thiểu cho gia đình 4 người.
Áp lực nuôi dạy con đàng hoàng, đầy đủ điều kiện để phát triển cũng là một nguyên nhân lớn khiến người trẻ ngày nay không đủ can đảm để sinh con sớm.
Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Dân số (Bộ Y tế) nhắc lại đề xuất cần bỏ quy định mỗi gia đình chỉ sinh từ 1-2 con. Theo ông, chính sách này đã tồn tại khá lâu trước đây, mỗi giai đoạn sẽ cần có sự chuyển mình riêng, Chính phủ cần cân nhắc đề xuất cho vợ chồng tự có quyền quyết định số con, thời gian có con và thời gian giãn cách mỗi lần sinh con để việc khuyến sinh được đẩy mạnh hơn.
Việc tỷ lệ người độc thân tăng cao, kết hôn và sinh con muộn không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người đó mà còn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đối với xã hội.
Già hóa dân số nhanh chóng, thiếu hụt nguồn lao động, mất cân bằng giới tính là những hậu quả dễ thấy. Ngoài ra, việc sinh con muộn cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe cho cả mẹ và bé.
Để giải quyết vấn đề này, cần có sự phối hợp của nhiều cấp, nhiều ngành. Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ về tài chính, tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng trẻ, đặc biệt là những gia đình có thu nhập thấp.
Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa của hôn nhân và gia đình, đồng thời tạo ra một môi trường xã hội thuận lợi để người trẻ có thể cân bằng giữa sự nghiệp và cuộc sống gia đình.
Việc xây dựng các chính sách hỗ trợ về nhà ở, giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, cùng với việc nâng cao nhận thức về giá trị của gia đình là những giải pháp cần thiết để khuyến khích người trẻ kết hôn và sinh con.