Điểu chỉnh thời gian thanh toán trong hợp đồng xây dựng trong trường hợp bất khả kháng? KBNN kiểm soát thanh toán thông qua hợp đồng gốc hay hợp đồng điều chỉnh? Nguyên tắc kiểm soát như thế nào?
Điểu chỉnh thời gian thanh toán trong hợp đồng xây dựng trong trường hợp bất khả kháng?
Căn cứ tại Luật Xây dựng 2014 quy định về việc Điều chỉnh hợp đồng xây dựng như sau:
- Điều chỉnh hợp đồng xây dựng gồm điều chỉnh về khối lượng, tiến độ, đơn giá hợp đồng và các nội dung khác do các bên thỏa thuận trong hợp đồng. Điều chỉnh hợp đồng xây dựng chỉ được áp dụng trong thời gian thực hiện hợp đồng.
- Các trường hợp được điều chỉnh hợp đồng xây dựng:
+ Do các bên thỏa thuận trong hợp đồng phù hợp với các quy định của Luật này và pháp luật khác có liên quan;
+ Khi Nhà nước thay đổi các chính sách làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp các bên hợp đồng có thỏa thuận khác;
+ Khi dự án được điều chỉnh có ảnh hưởng đến hợp đồng, trừ trường hợp các bên hợp đồng có thỏa thuận khác;
+ Các trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật.”
Theo đó, đối với trường hợp bất khả kháng sẽ được quyền điều chỉnh hợp đồng xây dựng.
Tại Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định về rủi ro và bất khả kháng trong hoạt động xây dựng có thể làm căn cứ để điều chỉnh hợp đồng xây dựng như sau:
- Rủi ro là nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện hợp đồng xây dựng trong tương lai. Trong hợp đồng xây dựng các bên phải quy định trách nhiệm của mỗi bên về quản lý và xử lý rủi ro của mình; trách nhiệm khắc phục hậu quả của mỗi bên trong trường hợp gặp rủi ro.
- Bất khả kháng là một sự kiện rủi ro xảy ra một cách khách quan không thể lường trước khi ký kết hợp đồng xây dựng và không thể khắc phục được khi nó xảy ra mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép như: Thiên tai, sự cố môi trường, địch họa, hỏa hoạn và các yếu tố bất khả kháng khác.
Đồng thời, tại Thông tư 08/2016/TT-BXD quy định Bất khả kháng khác trong hoạt động tư vấn xây dựng bao gồm các sự kiện sau: Khi thực hiện hợp đồng tư vấn xây dựng gặp hang caster, cổ vật, khảo cổ, túi bùn mà khi ký hợp đồng các bên chưa lường hết được.
Theo đó, việc xác định trường hợp bất khả kháng trong hợp đồng xây dựng dựa vào các quy định nêu trên để được điều chỉnh hợp đồng.
Kho bạc nhà nước kiểm soát thanh toán thông qua hợp đồng gốc hay hợp đồng điều chỉnh?
Căn cứ tại Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định Tính pháp lý của hợp đồng xây dựng:
Các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan kiểm soát, cấp phát, cho vay vốn, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan có liên quan khác phải căn cứ vào nội dung hợp đồng xây dựng có hiệu lực pháp lý để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định, không được xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia hợp đồng.
Theo đó, KBNN phải căn cứ vào nội dung hợp đồng xây dựng có hiệu lực pháp lý để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định.
Nguyên tắc kiểm soát hoạt động thanh toán hợp đồng xây dựng?
Căn cứ Thông tư 08/2016/TT-BTC và được sửa đổi bởi Thông tư 52/2018/TT-BTC quy định về Nguyên tắc kiểm soát thanh toán của Kho bạc Nhà nước:
Sau khi nhận được văn bản phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư của các Bộ, ngành trung ương và địa phương, đối với các dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, Kho bạc Nhà nước căn cứ hồ sơ đề nghị thanh toán của chủ đầu tư, các điều khoản thanh toán được quy định trong hợp đồng, văn bản giao việc hoặc hợp đồng nội bộ (đối với trường hợp tự thực hiện dự án), số lần thanh toán, giai đoạn thanh toán, thời điểm thanh toán và các điều kiện thanh toán và giá trị từng lần thanh toán để thanh toán cho chủ đầu tư.
Trường hợp phát hiện khoản chi không đảm bảo đúng chế độ hoặc thiếu hồ sơ theo quy định, chậm nhất trong vòng 04 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đề nghị thanh toán Kho bạc Nhà nước từ chối thanh toán và có văn bản thông báo cho chủ đầu tư nêu rõ lý do từ chối thanh toán.
Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát thanh toán theo nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau” cho từng lần thanh toán và “kiểm soát trước, thanh toán sau” đối với lần thanh toán cuối cùng của hợp đồng. Căn cứ vào nguyên tắc này, Kho bạc Nhà nước hướng dẫn cụ thể phương thức kiểm soát thanh toán trong hệ thống Kho bạc Nhà nước, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư, nhà thầu và đúng quy định của Nhà nước.
Như vậy, Kho bạc Nhà nước kiểm soát, thanh toán cho chủ đầu tư theo nguyên tắc nêu trên.