Có rất nhiều sự cố thang máy, tuy nhiên liệu có văn bản nào quy định về vấn đề kiểm định quá trình sử dụng thang máy chưa?
Ngày 28/12/2016, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 48/2016/TT-BLĐTBXH về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với Thang máy điện không buồng máy – sau khi Bộ quy chuẩn QCVN 26:2016/BLĐTBXH đã được Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định. Đây là bộ quy chuẩn sẽ được bắt buộc áp dụng từ ngày 01/08/2017.
Cũng theo Khoản 5 Điều 17 Nghị định 95/2013/NĐ-CP ban hành ngày 22/08/2013 quy định: Nếu tổ chức hay cá nhân sử dụng thang máy mà không báo cáo cơ quan có thẩm quyền việc kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động bị phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không khai báo trước khi đưa vào sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Phạt từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đã thực hiện kiểm định nhưng kết quả kiểm định không đạt yêu cầu.
Như vậy, có thể thấy pháp luật nước ta chỉ mới quy định về vấn đề kiểm định thang máy trước khi đưa vào sử dụng hay trong thời gian còn bảo hành mà thôi. Câu hỏi đặt ra: Khi thang máy hết thời gian bảo hành hay đã xuống cấp thì có văn bản nào điều chỉnh về tiêu chuẩn được sử dụng hay quy định kế hoạch sửa chữa thang máy theo định kỳ chưa?
Nhận thấy rằng pháp luật của chúng ta chưa quy định đầy đủ, chặt chẽ về vấn đề này, khiến cho chế tài xử lý còn hạn chế, chưa đủ sức răng đe. Trong khi ý thức tuân thủ pháp luật, ý thức trách nhiệm của một số chủ đầu tư, của nhà cung cấp, lắp đặt, vận hành đối với sản phẩm của mình còn chưa đủ tin cậy thì rõ ràng mỗi người dân vẫn nên có ý thức tự bảo vệ mình bằng những kỹ năng sử dụng thang máy an toàn, chẳng hạn như: Suy nghĩ kỹ số tầng cần đến để chỉ nhấn một lần nút gọi tầng; Khi cabin thang máy đã quá đông người, thì chúng ta nên chờ lượt khác; Tuyệt đối không đi thang máy khi hỏa hoạn; Hãy nhìn sàn cabin, sàn tầng trước khi bước vào, bước ra thang máy; Đứng đủ xa vị trí cửa cabin để quần áo không vướng vào cửa thang máy…