“Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định.”
Tại Việt Nam, cả thương nhân hay người tiêu dùng thường sử dụng hai thuật ngữ “khuyến mãi”, hay “ khuyến mại” để chỉ hành vi khuyến khích việc bán hàng, khuyến khích việc mua hàng. Do việc mua bán được tiến hành đồng thời nên cả 2 thuật ngữ này đều có thể sử dụng được. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam chỉ sử dụng thuật ngữ “khuyến mại” với góc độ tiếp cận là hành vi của thương nhân nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi để phát triển việc mua bán hàng hoá.
So với Luật thương mại năm 1997, Luật thương mại hiện hành khi định nghĩa về khuyến mại có bổ sung hai điểm về mục đích của khuyến mại và cách thức khuyến mại thông qua quan hệ dịch vụ. Cụ thể là, mục đích của khuyến mại không chỉ nhằm xúc tiến việc bán hàng mà còn nhằm xúc tiến việc mua hàng. Mặc dù khuyến mại để bán hàng là hoạt động phổ biến của thương nhân, do thương nhân tiến hành như một nhu
cầu tất yếu để cạnh tranh mở rộng thị phần nhưng đối với các doanh nghiệp thương mại, việc khuyến mại để mua hàng, gom hàng cũng có thể trở thành nhu cầu cần thiết. Đáp ứng yêu cầu thực tế này, pháp luật hiện hành quy định khuyến mại là hoạt động thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ (chứ không phải chỉ là xúc tiến việc bán hàng như trước đây).